Nghe Hữu Thỉnh kể lại, khi nhận rượu, Tô Hoài nói: "Rượu này dành uống lúc cuối thu". Tôi rất vui, vì chuyện uống rượu với người sành, thì phải chọn tiết, chọn mùa uống mới hợp.
Tô Hoài đúng là nhà văn xuôi bẩm sinh, dù lúc mới bước vào nghiệp văn, ông làm thơ ký tên thật Nguyễn Sen. Nhưng ông đã kịp dừng đúng lúc và chuyển ngay sang văn xuôi, để chúng ta có một nhà văn xuôi lớn như bây giờ. Đã 10 năm Tô Hoài qua đời (ông mất ngày 6.7.2014 - TN). Tôi còn nhớ, năm 2014, khi ra Hà Nội, tôi đã cùng nhà dịch thuật Lương Lê Giang tới nhà thăm Tô Hoài ở phố Đoàn Nhữ Hài số nhà 21. Thực ra Đoàn Nhữ Hài là một phố nhỏ, gần giống một cái ngõ, miền trong gọi là hẻm, hơn là đường hay phố. Không gặp Tô Hoài vì ông đang nằm bệnh viện, nhưng may quá, gặp bác Cúc vợ ông vừa vào bệnh viện thăm chồng về. Tôi nhìn trên bàn ăn nhỏ, thấy tô mì sợi nguội ngắt còn lưng, bác Cúc nói do bác trai nằm viện, bác hàng ngày ở trong bệnh viện chăm chồng hơn nửa ngày nên chỉ ăn mì tôm cho gọn. Tôi mang chai vang ngon biếu bác trai, bác Cúc vui và nói anh cứ để chai rượu trên bàn thờ, lúc nào ông nhà tôi khỏe xuất viện ông sẽ uống.
Tôi không ngờ, chỉ chưa đầy một tháng sau, tôi biết tin Tô Hoài qua đời. Vậy là chai rượu tôi biếu ông đã thành chai rượu cúng, và mãi mãi tôi không còn được gặp ông, một người mà tôi hết sức ngưỡng mộ.
Nhớ Tô Hoài, tôi nhớ những dòng thư ấm áp và hết sức cụ thể ông viết cho tôi. Chất văn xuôi bẩm sinh của Tô Hoài thể hiện cả trong những bức thư nhỏ ấy. Ngắn gọn và cụ thể. Xin trình bạn đọc một trong những bức thư nhỏ ấy mà Tô Hoài đã gửi cho tôi đề ngày 10.8.2007:
"10/8/07
Thanh Thảo
Tôi mới viết được cái tạp văn về một người bạn đã mất, gửi Sông Trà, nhân đọc bài của Thanh Thảo viết "Đọc Nhật ký Dương Thị Xuân Quý" (Sông Trà tháng 7)
Tôi thường đọc tạp chí Sông Trà (mượn của thư viện Hội văn nghệ Hà Nội) Thanh Thảo làm tạp chí rất giỏi, bài vở mang dấu vết Sông Trà nhưng mà cả nước đọc được, đọc hay, nhiều báo ở các trung tâm còn thua xa. Lại còn lúc nào mà viết về chính trị, về xã hội, và đá bóng cho các báo nữa. Mấy lâu nay tôi không được khỏe, ở nhà con gái cho nó trông nom, thỉnh thoảng viết như thể dục óc mà thôi.
Tô Hoài
C3-108
Phường Nghĩa Tân
Cầu Giấy - Hà Nội
Viết về sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài thì chắc viết mãi không hết. Năm 2020, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài, tôi có viết được bài thơ, lấy tên ông làm đầu đề. Xin trình bạn đọc, để nhớ một nhà văn tuyệt vời của đất nước chúng ta:
TÔ HOÀI
gần như tôi chưa thực sự được gặp ông
gần như ông và tôi chỉ viết cho nhau vài mẩu thư
tôi có gửi cho ông vài chai rượu nhỏ
ông khen: "rượu này dành uống lúc cuối thu"
dường như ai cũng dành cho đời mình một chai rượu nhỏ
uống vào lúc nào đó
nhưng với Tô Hoài
tôi nghĩ ông không bao giờ kết thúc
nhưng làm sao đuổi kịp
những giấc mơ?
khi ông kể chuyện "Ba người khác"
tôi mới hiểu thế nào là "hiện thực khắc nghiệt"
không phải "hiện thực nghiêm nhặt" như tôi từng được học
Tô Hoài người kể chuyện trữ tình
lại hiểu chuyện đời khắc nghiệt hơn bất cứ ai
nhớ ngày mới hòa bình ông từng khen tôi
làm thơ như viết nhật ký
tôi nhớ mãi lời khen đó
thơ là nhật ký đời mình
nghĩ sao viết vậy
đúng lúc ấy
những lát cắt thật gọn
không cần nhiều chữ nghĩa
bởi có thể ngày mai
mình nghĩ khác viết khác
mắt long lanh nụ cười minh triết
chân dung Tô Hoài giống một người đi câu
biết những con cá luôn khôn hơn mình
nhưng biết
cũng có lúc mình khôn hơn cá
chân dung một tổ trưởng dân phố
phục vụ nhân dân để nhân dân cho mình
những nguyên bản cực kỳ dễ thương
và hài hước
tôi không sao quên
ngày ông viết cho tôi bức thư khá dài
kể về số phận một em bé không bình thường
ở thị xã Quảng Ngãi
đứa trẻ từng rất thân với bác Tô Hoài Hội nhà văn 65 Nguyễn Du
những vết thương người khác
khiến ông đau nhức mỗi khi trở trời
chỉ một bức thư
tôi hiểu Tô Hoài hơn đọc nghìn trang người khác viết về ông
có nhiều sự thật
về một con người
mãi mãi chỉ một Tô Hoài ấy thôi
chú Dế Mèn hồn nhiên
dấu kín khôn ngoan và dũng cảm
biết lúc nào có thể đương đầu
và lúc nào im lặng
với nhà văn như ông
im lặng có khi là một quả mìn
chờ nổ
25/9/2020
Thanh Thảo
Bình luận (0)