Nhớ những lời rao

23/04/2017 06:19 GMT+7

Buổi chiều, trời Sài Gòn ẩm ương, vẻ như đã vào mùa mưa nhưng lại có thông tin rằng mưa trái mùa. Trời đất phương nam quá ư đỏng đảnh, đang nắng bỗng vần vũ mây, dội ào một chốc lại tạnh.

Chợt nghe đầu hẻm có tiếng rao bánh mì nóng giòn đê... ê... ê… Lời rao lặp đi lặp lại phát ra từ chiếc loa nhỏ cũ kỹ. Ông già bán bánh mì lúi húi lấy từ cái bao tải trùm chiếc túi ni lông to sụ sau chiếc xe đạp, ổ bánh mì còn nóng giòn rụm. Cữ này bữa lỡ, nên có nhiều người í ới kêu, mỗi lượt vài ba ổ. Mấy chú thợ hồ nghỉ tay vì mưa, ngồi túm tụm chờ ông già đưa bánh, chốc lại ngước nhìn trời...
Bỗng nhớ lời rao bánh mì ngồ ngộ của ông già phố núi năm xưa. Hồi đó ở Buôn Ma Thuột có bến xe quen gọi là bến Cây số ba, vì nó cách trung tâm thị xã tầm ba cây số tính từ ngã sáu. Bến này là nơi duy nhất tụ tập nhiều chuyến xe đò về Bắc, về Trung hay xuôi đèo Phượng Hoàng qua ngã Khánh Dương về Nha Trang rồi trực chỉ Sài Gòn. Ở cao nguyên nhiều năm, tôi thường về quê mỗi năm 2 chuyến hè và tết, nên nhớ nét mặt khắc khổ của ông già và thuộc lòng câu ông rao lúc ba giờ sáng ở bến xe khi trời còn tối thui. Khi nhìn dáng ông già bán bánh mì ở Sài Gòn chiều nay, câu rao nói lái ấy như vẳng lại: Bánh mì nóng giòn mới ra lò đây/ Bí mành nón giòng mó ra lời đây... Lời rao dõng dạc mà hài hước của ông già cao nguyên mang cho ông một chút lời lãi trong cuộc mưu sinh, còn với người chờ xe trong những đêm khuya thì đã đọng lại thành nỗi nhớ...
Lại nhớ thuở sinh viên ở Huế, không có tiền nên hay nhảy tàu chui. Tàu chợ chen chúc ngột ngạt, mà nhớ như in lời rao của mấy mệ, mấy o. Họ bưng cái mẹt tre đen bóng trên bỏ đủ thứ, dạo quanh tàu rao một lèo các món hàng với giọng trầm bổng rất chi là… Huế: Ai kim may kim vá đá bíc kê búp chỉ lược sưa lược dày nhíp nhổ lông mày gương soi mặt long não nê... ê... ê… (đá bíc kê là đá lửa để dùng cho cái bật lửa - phiên ra từ briquet của tiếng Pháp; búp chỉ là cuộn chỉ; lược sưa là lược thưa, lược dày là lược bí…). Nhưng do cuối lời rao, họ xuống trầm nên mấy chữ long não nê... ê... ê…lại thành ra như…lòng não nề. Vì thế mà trong đêm thanh vắng, nghe lời rao da diết, chạnh nghĩ sớm khuya với cái mẹt chỉ đựng mấy thứ lặt vặt ấy, các mệ các o đang phải gánh gồng cả một gia đình trĩu nặng trên vai.
Bây giờ ở Sài Gòn, ít người rao bằng giọng mình mà họ thu âm rồi phát ra loa. Bởi ngày nào cũng xuôi ngược mưu sinh, ai rao hoài cho nổi. Nhưng nếu lại về miền Trung, nhất là ở Huế, thấy những người bán hàng rong vẫn cứ một mực rao bằng chính giọng mình, cho dù có khản cả cổ để có mỗi ngày mấy chục ngàn bạc. Giọng rao vẫn đầm ấm thiết tha, nhất là mỗi chiều mưa hay lúc đêm về. Có khi là hột vịt lộn, là bánh đúc, bánh khoái, nhưng thông dụng nhất vẫn là câu rao với ba loại bánh đặc trưng bèo nậm lọc đê... ê... ê...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.