Nhớ những ngày đặt hầm bắt cá ở làng xưa

26/10/2022 15:00 GMT+7

Khi những cơn gió mang theo cái lạnh se se, lòng tôi lại miên man nhớ về những ngày thơ bé. Cũng thời điểm này của rất nhiều năm trước, chị em chúng tôi vác lúa từ ngoài đồng về chất thành đống trên sân, đi ngang đìa thấy cá từ ngoài đồng thi nhau quẫy đuôi rộn như cơm sôi, thấy lòng náo nức, chộn rộn.

Theo lời tía tôi kể lại thì đồng đất Cà Mau từ lâu vốn rất nổi tiếng với nghề nuôi cá đồng truyền thống. Như thường lệ, khi chân ruộng bắt đầu cạn nước, cá rút vào đìa trú ẩn thì cũng là thời điểm bà con trong làng tôi bắt đầu tát đìa để thu hoạch cá đồng. Đây là truyền thống thu hoạch cá đồng rất phổ biến và có từ lâu đời của người nông dân quê tôi.

Theo lẽ tự nhiên thì khi ngoài đồng nước cạn, cá sẽ theo con nước vào ao, vào đìa để sống cho qua mùa hạn

công hân

Những ngày cuối mùa đông, khi gió chướng về, trên đồng nước đã rút cạn, những gốc rạ còn mới tinh cũng là khi cá bắt đầu về đìa. Trong khi tía đang bận rộn dựng mê bồ phía sau nhà để chuẩn bị trữ lúa, má loay hoay sắp xếp lại với mớ củi tạp nhạp sau vườn, thì chị em tôi cũng tranh thủ lén tía má vác cái khạp da bò đi đặt hầm bắt cá. Sở dĩ phải lén tía má là do khạp da bò ngày xưa ở quê tôi rất quý, mỗi nhà chỉ có vài cái để dành đựng gạo, ủ mắm. Bản tính trẻ con vô tư, hay bắt chước người lớn nên chị em tôi đã lén tía má lấy cái khạp da bò đựng gạo mang đi đặt hầm bắt cá.

Cũng bởi, ở làng tôi ngày xưa, cả người lớn và trẻ con đều biết cách đặt hầm để bắt cá. Đó là phương thức bắt cá mà chúng tôi là “khỏe re” mà vẫn thu hoạch được nhiều. Theo lẽ tự nhiên thì khi ngoài đồng nước cạn, cá sẽ theo con nước vào ao, vào đìa để sống cho qua mùa hạn. Vậy là, ngay tại miệng đìa, tôi và thằng em moi đất đặt cái khạp da bò thật sâu để dành làm hầm. Tôi thường chặt khoảng 3,4 nhánh trâm bầu, thường là cây bình bát cỏ ngạch, để cố định cái thạp khi chôn xuống đất. Nếu không cẩn trọng trong bước này, khi bị hơi nước đẩy lên, chiếc khạp sẽ lộ thiên.

Kế tiếp, chúng tôi sẽ chọn lựa vị trí đặt hầm. Xác định được vị trí này rất quan trọng, vì nó quyết định đến chuyện có bắt được cá hay không, số lượng cá bắt được sẽ nhiều hay ít. Thông thường, những “họng ao” là đường nước thông từ ao này qua ao kia, là đường mương thông từ ao ra kênh, mương, vườn, ruộng… Và quan trọng là những đường đi này phải còn ẩm ẩm, ướt láng, để cá trườn lên đi cho dễ dàng. Phía trên hầm phải được che đậy, ngụy trang bằng tàu lá dừa cho kín.

Phải công nhận là không có cái thú bắt cá nào mà vừa tiện lợi mà lại mang đến cảm giác hào hứng cho bằng đêm khuya cầm đèn rọi đi thăm hầm cá. Hoặc có những ngày chờ đến trời sáng, khi màn sương trắng tinh hòa cùng làn khói bếp cuộn vào nhau tỏa trên từng ngọn cây, cọng cỏ, tía má thức giấc sớm ngồi châm bình trà, hong nồi xôi chuẩn bị ra đồng, thì chị em tôi cũng rón rén ngồi dậy, không kịp ăn sáng là tất bật đi ra cái hầm chờ cá về. Cũng vì thế mà thời khắc chị em tôi mong chờ nhất trong ngày chính là lúc dỡ tàu lá dừa lên, nhìn đường hầm còn trơn láng dầu cá mà trong bụng mừng rơn, vì thế nào cũng có vài con cá lọt hầm. Thông thường, những loại cá đồng có tập tính thích di chuyển như cá lóc, cá trê, cá rô… rất hay đi nên cũng dễ “lọt hầm” nhất.

Không cần phải tốn công kiên nhẫn kiếm mồi cho nhạy hay ngồi phơi nắng nôi chờ cá cắn câu, lội sình bùn lún tới đùi để mò mẫm từng con cá, việc bắt cá lọt hầm là phương thức nhàn nhã nhất. Mà kết quả thì được cũng không hề tệ khi con cá bắt lên còn giãy đành đạch, vừa sạch vừa khỏe, có thể rọng lâu để dành cho gia đình ăn dần.

Những năm tháng tuổi thơ trôi xa, chị em chúng tôi đều trưởng thành, rời quê ra phố. Nhưng ký ức về những tối khuya thức giấc giữa chừng, đứa cầm đèn dầu, đứa cầm thùng thiếc, mải mê ra bắt mấy con cá nằm “chịu trận” trong thạp hầm như vẫn chưa xa. Rồi cả những trưa theo chân tía má xách rổ tre đi hái rau muống, rau càng cua, bồ ngót, đọt nhãn lồng, đọt choại… trong vườn. Có gì đầm ấm hơn bữa cơm chiều xúm xít bên tía má và mấy anh chị em trong chái bếp đơn sơ, mỗi người một tay làm con cá lóc lấy đầu nấu canh chua, rồi thêm nồi cá rô, cá trê với tép mỡ thơm lừng, ăn cùng với cơm trắng gạo mới. Cứ đơn sơ, giản dị với rau vườn, cá đồng mà vui vẻ, thảnh thơi, chẳng lo toan, sầu muộn bất kỳ điều gì.

Thi thoảng, có dịp về quê, đi ra ruộng thăm mồ mả ông bà, ngang qua họng ao, chỗ đứa cháu nhỏ có “nhận” cái hầm từ trước đó, dù ngay giữa trưa, tôi vẫn hồi hộp dỡ từng tàu lá dừa lên. Và dù có hay không con cá nào trong hầm thì cảm giác háo hức, vui mừng ngày xưa vẫn vẹn nguyên ùa về. Cứ da diết nhớ mãi hình ảnh mình và biết bao đứa trẻ nông thôn khác hí hửng mừng rỡ, la hét rộn vang một góc trời khi đặt hầm bắt được lũ cá đồng ngày xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.