Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hải (Học viện Quốc gia ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Paris, Pháp) rất quan tâm tới giáo dục khoa cử phong kiến ở miền núi, cho thấy biến đổi của Nho học ở Việt Nam. Bà nói: “Thời Lê sơ, giáo dục và khoa cử Nho học được hoàn thiện và chú trọng cả ở đồng bằng và biên viễn. Vua Lê Thái Tổ còn khẳng định quyền uy bằng cách cho khắc thơ chữ Hán trên vách núi để răn dạy các tù trưởng ở Cao Bằng”. Theo bà Hải, tư liệu cho thấy sự xuất hiện của các thầy đồ người Kinh ở miền núi. Một số quan lại người Kinh đã mở lớp dạy chữ và lễ nghĩa cho người dân miền núi như Thân Công Tài (1620 - 1683), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) ở Lạng Sơn. Mục đích của các lớp học này không phải để đỗ đạt, hay thay đổi vận mệnh như ở đồng bằng. Bà Hải phỏng đoán việc này để người địa phương có thể trao đổi văn bản với triều đình và thêm hiểu biết.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Bính (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhắc tới giáo dục ở làng xã được quy định trong hương ước. Ông cho biết người Pháp rất khen ngợi giáo dục trẻ em ở làng xã thời phong kiến với những ngôi trường khiêm tốn, dạy những kiến thức sơ đẳng, chương trình dạy giống nhau.
TS Nguyễn Thị Bình (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng sau chỉ dụ chấm dứt khoa cử của vua Khải Định năm 1918, ý thức hệ Nho giáo chấm hết. Từ đó, các nhà nho người không thay đổi, người lại trở nên cấp tiến. Những người cấp tiến tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục hướng về thực học. Họ cũng tham gia thảo luận thực nghiệp, đặc biệt là thương nghiệp. Lương Văn Can tổng kết yếu kém về thương nghiệp, thương nhân Việt Nam trong cuốn Thương học phương châm như: không thương phẩm, không thương hội... Tuy nhiên, TS Bình cũng dẫn những câu chuyện cho thấy các nhà nho không dễ dàng hòa nhập với thương nghiệp khi vẫn giữ nhiều quan điểm cũ và thiếu kỹ năng quản trị.
PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại nhìn Nho giáo, khoa cử từ hai mặt. Ông thấy rõ nền Nho học thoái hóa gây tác hại cho xã hội, làm tê liệt sáng tạo của người dân. Tuy nhiên, nó cũng có những điểm đáng trân trọng như phong cách tư duy mềm phi cực đoan, trách nhiệm cao đối với cuộc sống xã hội, tình cảm gia đình bạn bè gắn bó và bản lĩnh cương trực, dũng cảm của kẻ sĩ.
Theo TS Hồ Thành Tâm (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), có sự tương đồng trong hình mẫu Nho giáo và người cộng sản. Theo đó, Nguyễn Ái Quốc là ví dụ điển hình nhất cho sự chuyển hóa của hình mẫu người quân tử sang người cộng sản. Ông tiếp thu nền giáo dục Khổng Mạnh từ người cha Nguyễn Sinh Sắc, tiếp xúc với nhiều chí sĩ nổi tiếng như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân... và được hun đúc những quan niệm phận sự của quốc dân với quốc gia dân tộc.
Bình luận (0)