Nhớ thương Xóm Ruộng

28/10/2022 11:00 GMT+7

Sau tiếp thu, ba má tôi được ông bà nội cho phép ra riêng. Từ Mương Điều, ba má tôi chèo xuồng be tám chở tài sản hồi môn là mớ chén, dĩa, xoong nồi, khạp sành, mấy giạ lúa và đám con nheo nhóc về miếng vườn của ông cố khai khẩn bên Tân Duyệt…

Nghe ông nội tôi kể, lúc khẩn hoang, ông cố cắm ranh mặt tiền bự chảng, định bụng dọn miếng đất lớn để dành cho con cháu. Rồi thì người ít, cây cối “binh thiên”, càng về sau, cái hậu vườn càng teo lại. Rốt cuộc, miếng vườn của cố khai khẩn, hậu đất chỉ đủ chỗ trồng một bụi tre gai.

... Tôi biết rằng, đời mình, dù đi đâu, cũng sẽ có một nỗi nhớ gọi tên tìm về, phía đó là quê hương

Phạm ngôn

Hồi còn nhỏ, tôi cứ thắc mắc hoài, sao xóm nhà mình có tên là Xóm Ruộng. Ba tôi cắt nghĩa gọn lỏn, thì ai cũng mần ruộng gọi là Xóm Ruộng chớ sao. Ngôi nhà cột cặm của gia đình tôi nằm nép sau biền lá dừa nước, phía trước là dòng kinh Dân Quân lượn ngoằn ngoèo như con rắn. Tôi nhớ như in, từ bến nhà, muốn chèo xuồng ra dòng kinh phải đi qua con lạch nhỏ ăn theo mé biền. Đầu doi có đám bần ổi trái chín rụng nổi lềnh bềnh và một cây mù u lão, mỗi mùa bông nở trắng cả bến sông.

1. Những bài học vỡ lòng

Nhà tôi có 7 anh chị em cách lứa 2 năm, ba má sấp mặt làm lụng để lo ăn, lo mặc cho con. Nhưng dù bận bịu cỡ nào, ba má tôi cũng dành thời gian để dạy con cái những điều hay, lẽ phải, cách ăn ở sao cho đàng hoàng. Ba tôi là người nghiêm khắc. Mỗi bữa cơm, tôi là út nên có nhiệm vụ phải gọi anh chị, ba má vô ăn cơm. Bữa cơm gia đình, phải có mặt đầy đủ quây quần mới bắt đầu. Lúc ăn cơm, đại kị nhất là làm đổ tháo, rơi vãi, ăn cơm mà chén không tém gọn. Tôi là đứa nhỏ nhất, bị ba lấy đũa gõ đầu mấy bận vì cái tội này, nên nhớ mãi. Ba nói, ăn cơm mà đổ tháo là mang tội, còn chén cơm mà không tém gọn là nói lên cái tánh của con người ẩu tả.

Cả cái cách ăn cá, ba má tôi dạy, phải ăn từ phần đuôi lên. Người nhỏ mà ăn “tầm lóc”, đầu lòng cá rồi bỏ ngang như mèo mửa là ăn hỗn. Trong những tật xấu của con nít, ba má tôi trị nặng nhất là thói ăn cắp và ham ăn. Có bận, tôi ngứa tay ngứa chân, nhổ đọt dừa non của bác ba hàng xóm, lấy củ hũ ăn. Bác ba bắt tại trận, ba tôi đốt đèn dầu bắt nằm cúi sấp, đánh có 3 roi mà giảng giải tới khuya lơ, khuya lắc. Nhớ hoài lời ba nói: “Còn nhỏ ăn cắp, sau này lớn lên làm ăn cướp chắc, chừa nghen con”.

Còn tật tham ăn, thời đó nghèo, cái gì cũng thèm, tuổi còn nhỏ, anh em tụi tôi sao tránh khỏi. Nhớ có lần má mua 4 cái bánh cam cho tôi và ông anh kế, chia đều mỗi đứa 2 cái. Anh tôi ham ngủ trưa, tôi ăn hết 2 cái vẫn còn thèm, nghĩ bụng ăn thêm cái nữa, chừa anh 1 cái cũng được rồi. Anh tôi thức dậy, thấy còn 1 cái bánh, cầm chọi vô đầu tôi. Con chó phèn chờ đâu sẵn, chạy tới lủm gọn. Anh tôi la làng, la xóm, đúng lúc ba tôi đi làm đồng về. Vậy là anh em tôi “ăn” thêm trận roi bẹ dừa. 2 anh em nằm cúi, tôi còn ngó ông anh cười tỉnh rụi, nghĩ ông anh tội nghiệp, không ăn được cái bánh nào còn bị đòn, còn tôi dù sao cũng được tới 3 cái. Ai dè, ba tôi phát hiện, tha bổng anh tôi, còn tôi bị phạt nằm cúi tới ngủ gục. Trong láng máng, tôi nghe ba giảng giải: “Cái tật ham ăn xấu lắm. Giành giựt nhau ăn thì còn gì tình nghĩa anh em, mai mốt lớn lên, tụi bây ăn ở ra sao...”.

2. Tình làng nghĩa xóm

Xóm Ruộng có hơn 20 nóc gia, nhà cách nhà một tầm ới. Có lần, chú sáu đem xị rượu đế rủ ba tôi lai rai. Nhà chú sáu mới có chuyện buồn nên ba tôi dù ít nhậu cũng tiếp đãi chu đáo. Ngặt nỗi nhà hết mồi, ba tôi bí quá ra sau hè bắt con gà mái ấp, trụng nước sôi, nấu cháo chuối ghém. Má tôi qua ngoại chưa về, tôi chỉ len lén nhìn, bụng dạ lo lo. Rồi thì má về, cuộc nhậu đang giòn giã. Má không nói gì, ra sau hốt luôn ổ trứng vô luộc cho tôi “hưởng sái”. Ba tôi chậc lưỡi: “Người ta ăn còn, mình ăn hết”, tính toán gì ba cái chuyện cỏn con. Còn má tôi thì nhìn ba nguýt dài đuôi mắt: “Chú sáu bây, có bận mần thịt con chó, rút vách lá thui đãi ba bây nhậu, con gà mái ấp nghĩa lý gì”.

Hồi ấy ở Xóm Ruộng hình như nhà nào cũng có lúc phải đi mượn gạo. Nhà nào hết gạo, kêu mấy đứa nhỏ cầm thau và cái lon sữa bò qua nhà hàng xóm. Đem theo cái lon sữa bò là có lý do. Bởi mỗi nhà, lon đong gạo khác nhau, lúc trả gạo mới dễ tính. Tôi là “chuyên gia” đi mượn gạo và trả gạo. Má tôi mỗi lần trả gạo đều đong thêm nhiều hơn lúc mượn hoặc kèm theo đùm ổi, đùm xoài, mấy hột gà so và căn dặn tôi phải nhớ nói tiếng cảm ơn. Có bận, qua nhà bác ba gái mượn gạo, tôi đợi lúc lâu mà bác ba chưa ra. Nghe tiếng lon sữa bò cạo đáy khạp sành rột rột nhức răng. Lúc sau, bác ba gái đem thau gạo rồi nói với tôi: “Bác ba vét cho hết mớ gạo cũ, đổ gạo mới vô”. Tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ăn cơm chiều xong, má tôi nói thì thầm với ba: “Hồi xế, tôi thấy chị ba hình như cầm cái thau đi ngược lên phía đầu xóm”...

Nhớ nhất là những ngày xóm tôi có đám cưới. Không ai bảo ai, đàn bà trong xóm xúm lại lo đi chợ, bếp núc, làm bánh khéo, thanh niên thì đốn đọt dừa non, cà bắp dừa nước, bông đủng đỉnh dựng rạp. Tốp con gái thì cắt bông giấy màu, giấy kiếng, trang hoàng buồng tân hôn. Cả xóm gom xoong, nồi, chén đũa, lẩu cù lao, ván ngựa chở xuồng cho gia chủ mượn. Trước khi cho mượn, không quên quẹt mấy vạch phấn màu để làm dấu, khi trả khỏi lộn tùng phèo. Gia chủ xong việc, mời bà con chòm xóm đến cảm ơn, thành ra một cái đám kéo dài có khi cả tuần lễ, nhậu linh đình.

3. Nơi trở về

Sau mấy mươi năm, tôi từ đứa trẻ quê đầu khét nắng, đi học trường làng, trường huyện rồi ra Thủ đô học đại học, theo nghề báo, có mái ấm riêng ở tỉnh lỵ. Căn nhà ở mảnh vườn của cố giờ để lại cho người anh tôi ở. Lâu lâu có dịp về thăm, lòng miên man bao nhiêu cảm xúc. Như còn đó những bữa cơm chiều, cúm núm kêu, ba má và anh em tôi quây quần bên nhau vừa ăn vừa ngó đáy xoong. Còn đó những tiếng nói, mặt người thân quen hỏi thăm nhau những lời chân chất: “Dạo rày khoẻ không, mần ăn khá không, sao lâu quá không thấy dìa thăm quê?”. Nhưng cũng biết bao nhiêu thay đổi của làng quê, thấy tiếc nhớ vô bờ...

Xóm Ruộng quê tôi giờ đã chuyển dịch sang nuôi tôm. Lớp người cao niên dần thưa bóng. Bất giác thấy nao lòng khi nghe câu hỏi của ai đó: “Chú này ở đâu dìa, sao thấy lạ”... Nhưng rồi tôi tự mỉm cười, nói bằng tất cả lòng yêu thương và tự hào của mình: “Ờ, tui dân Xóm Ruộng chánh cống nghen”. Chính nơi đây, tôi đã sống trong tình cảm thiêng liêng của gia đình, của tình làng nghĩa xóm mộc mạc, thuỷ chung, học những bài học vỡ lòng để từng ngày phấn đấu trở thành con người tử tế.

Và tôi biết rằng, đời mình, dù đi đâu, cũng sẽ có một nỗi nhớ gọi tên tìm về, phía đó là Xóm Ruộng quê hương!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.