Nhớ 'tủ sách Nguyễn Văn Linh' trong rừng già

03/02/2025 05:22 GMT+7

Bạn thử tưởng tượng, trong rừng già, tự nhiên có một…tủ sách không? Vậy mà có đấy.

Năm 1971 - 1972, tôi vào công tác ở Trung ương Cục (Cục R) Nam bộ. Vào Ban binh vận được ít lâu, tôi nhận lệnh về làm phóng viên, biên tập viên tại Đài phát thanh giải phóng (B5). 

Lúc bấy giờ, do tình hình chiến sự ác liệt, bom B52, B57 thả ngày đêm xuống rừng già chiến khu, anh em phóng viên chúng tôi ban ngày lên làm việc trên mặt đất, ban đêm đều phải xuống hầm tránh bom, thắp ngọn đèn nhỏ xíu làm bằng vỏ chai, cặm cụi viết bài dưới hầm sâu.

Nghe có vẻ khó khăn, nhưng hồi đó dù khó tới đâu chúng tôi vẫn tìm cách sống tương đối đàng hoàng. Sáng họp giao ban rồi viết bài, trưa ra suối câu cá, chiều kiếm xị rượu "đồng bào" anh em lai rai, tối xuống hầm.

Nhưng có một món ăn tinh thần mà hồi đó chúng tôi được hưởng. Đó là đọc sách. Nhưng sách đâu mà đọc, giữa rừng già bom đạn?

Anh em phóng viên Đài giải phóng chúng tôi chơi thân với nhóm anh chị em bên Ban tuyên huấn R (B9). Hai căn cứ chỉ cách nhau khoảng một giờ đi bộ trong rừng, nên mỗi tuần đều có một cuộc giao lưu vào ban đêm. 

Giao lưu thì có gì vui nấy, chuyện trò, đọc thơ cho nhau nghe, và… mượn sách về nhà đọc. Sách ở đâu ra?

Nhớ 'tủ sách Nguyễn Văn Linh' trong rừng già - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người thành lập tủ sách

ẢNH: TƯ LIỆU

Đó là tủ sách rất đặc biệt từ Ban tuyên huấn. Tủ sách do chính ông Nguyễn Văn Linh, bấy giờ là Bí thư Trung ương Cục, lập ra. 

Ông Nguyễn Văn Linh là người rất ham đọc sách, nên ông nhờ Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Định (thuộc T4) chọn mua sách xuất bản tại Sài Gòn. Các đầu sách, tên sách do ông Linh chỉ định mua, toàn là sách kinh điển, sách dịch, nghĩa là sách rất quý.

Hồi đó, thông qua các cửa khẩu, hàng hóa được phía ta mua và chuyển lên chiến khu. Trong số hàng hóa ấy, có sách. Đó có lẽ là điều phía Sài Gòn không nghĩ ra. Việt Cộng cũng ham đọc sách hay sao? Vậy mà có đấy.

Tủ sách với nhiều sách quý được anh em chúng tôi gọi là "Tủ sách Nguyễn Văn Linh". Ông Linh giao cho Ban tuyên huấn - B9, và Ban giao cho thủ thư là anh Lê Quang Trang, một anh bạn vào chiến trường cùng chúng tôi, bảo quản. 

Anh Trang sẵn sàng cho anh em bên Đài phát thanh mượn sách về đọc, nhưng đọc xong phải trả sách lại, sách không được hư nát. Chúng tôi đồng ý ngay, vì với những người yêu sách, thì ai cũng nâng niu sách như của quý, nhất là sách ấy lại có giữa rừng già, không những quý, mà còn rất hiếm.

Phải nói, nhờ "Tủ sách Nguyễn Văn Linh", tôi đã đọc được những tác phẩm kinh điển mà hồi ở Hà Nội không thể có để đọc. Những tác giả lớn của văn học thế giới như Dostoievski, J.P.Sartre, Anbert Camus, Herman Hess… đều có trong "Tủ sách Nguyễn Văn Linh", và tôi đã đọc ngấu nghiến, ban ngày đọc trên mặt đất, tối đọc dưới hầm sâu.

Ngày ấy, có thể đói ăn, đói ngủ, nhưng may quá, không đói sách. Cho tới bây giờ, nghĩ lại, tôi vẫn biết ơn "Tủ sách Nguyến Văn Linh", vì nhờ tủ sách ấy, tôi đã tự trang bị được những kiến thức văn học có thể nói là vô giá, cho mình.

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025), xin có một hồi ức về một tủ sách cực kỳ đặc biệt như thế. "Tủ sách Nguyễn Văn Linh" giữa rừng già.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.