Nhớ vị cát biển

24/11/2020 08:00 GMT+7

Tôi được sinh ra từ gò cát biển , những dải cát trắng mênh mông bất tận chảy dọc vùng duyên hải miền Trung…

Mùa hè, cát nắng cháy khô, nếu ai đó nhỡ đi đôi chân trần trên cát thì sẽ bỏng da trong nháy mắt. Và đâu đó trong hồi ức xưa cũ của mình, tôi vẫn còn nhớ về cái chết của một người đàn ông.
Ngày ấy, ông đi làm đồng về và vượt qua hoang cát trong cái nắng ban trưa như đổ lửa, để rồi phải bỏ mạng. Mẹ kể câu chuyện đó cho tôi nghe khi tôi còn học tiểu học. Đó là câu chuyện có thực trong làng. Mọi người thường kể về cái chết của người đàn ông đó để khuyên những đứa trẻ hãy cẩn thận với những hoang cát.
Có lẽ, không riêng gì tôi, mà những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên những hoang cát bạt màu khô cằn ở xứ sở miền Trung thì ở đâu đó trong ký ức của họ sẽ luôn có những câu chuyện tương tự. Sự cặn cỗi của đất đai, sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, sự trào tràn của những cơn gió Lào đầy chất lửa, làm cho người dân quê tôi phải chịu nhiều khó nhọc hơn những nơi có đất đai màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu.
Những năm tám mươi - chín mươi của thế kỷ hai mươi, đa phần người trong làng đều tìm đường đến nơi khác để làm ăn sinh sống, mong đời đổi thay. Vì làng quê tôi nghèo lắm, đất cát thì mênh mông nhưng không thể trồng được loại cây gì để có kinh tế.
Mẹ ba tôi, một đời lam lũ làm lụng vất vả vẫn không có cái dư. Quanh năm suốt tháng miệt mài trên những đám ruộng cát bạt màu, để rồi đến mùa đông vẫn thiếu thốn.
Và mùa đông nào cũng thế, lũ thanh thiếu niên trong làng đều vác cuốc ra biển đào còng về ăn. Nhờ món còng mà nhiều gia đình vượt qua được những cơn đói. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Mùa mưa đến. Đó là những cơn mưa dai dẳng suốt nhiều tháng không dứt. Ruộng đồng đất cát trở thành những ruộng nước, không trồng được cây hoa màu gì cả. Những tháng ngày mùa đông là những tháng ngày người dân quê tôi gần như không có nhiều hoạt động. Tôi không nói ra thì nhiều người vẫn hiểu, rằng người miền Trung quê tôi phải canh cánh trong lòng vì những cơn bão lụt. Thời gian mùa đông mang nhiều sắc màu ảm đạm và nỗi lo về những căn nhà sẽ bị bão lũ phá tan hoang.
Cái khắc nghiệt mà người miền Trung phải hứng chịu là thế, mùa hè là những cái nóng đến cháy da, mùa đông là những cơn bão lớn!
Những đứa trẻ như chúng tôi thường đi ra biển đào còng theo từng nhóm. Mỗi nhóm gần chục người. Lúc nhỏ, tôi cứ hình dung trong đầu rằng, chuyện chúng tôi đi đào còng để kiếm cái ăn vào mùa đông chẳng khác nào như người ta đi đánh giặc. Trên tay ai cũng cầm một bao cát (loại bao dùng để đựng còng biển), rựa, cuốc, xẻng.
Chúng tôi phải đi qua những mương nước và những gò cát thật rộng và dài thì mới đến biển. Nhóm chúng tôi ra tới biển thì lại thấy nhiều nhóm khác đang lúi húi đào còng. Có lẽ, cả làng đều đi đào còng biển.
Vào mùa đông, biển thể hiện sự dữ dội của nó bằng những con sóng lớn. Gió thì mạnh. Nhưng những con người nghèo khó quê tôi không để tâm lắm. Họ chỉ miệt mài đào còng, lo cho bữa ăn gia đình.
Còng biển là một loại còng khá đặc biệt, chúng sống dưới những hang sâu, trên bờ biển. Có hang phải đào cả mét đất mới bắt được. Đó là một con còng to, chắc, cứng cáp. Còng biển được người trong làng dùng làm món ăn khi chế biến bằng cách chiên dầu cùng với lá sẵng. Lá sẵng là loại lá thường có ở những gò cát trắng ven biển, thân của chúng có gai, lá thì nho nhỏ như lá chùm ngây nhưng dày hơn. Và đặc biệt, khi bứt một nắm lá sẵng, vò nát ra, ta ngửi có mùi thơm hăng hắc.
Bây giờ, dù tôi ở nơi xa, sống nơi đô thành nhộn nhịp với những món ăn vô cùng đa dạng và ngon, nhưng món còng biển chiên cùng lá sẵng mãi mãi là món ăn ngon nhất mà tôi từng biết trong những tháng ngày mùa đông đói khát của một thời dĩ vãng.
Và dù là mùa hè hay mùa đông, thì vị cát biển vẫn luôn len lỏi vào hơi thở của tôi, trong những đêm dài tôi không thể nào chợp mắt được vì nhớ quê nhà!...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.