Nhọc nhằn đi tìm con chữ vùng biên

07/05/2020 11:02 GMT+7

Cuộc sống gia đình khó khăn và qua VN phải cách ly 14 ngày để phòng chống dịch Covid-19 khiến hàng ngàn học sinh (HS) Việt kiều Campuchia chưa thể đi học lại.

Đó là thực tế xảy ra tại các điểm trường vùng biên giới của tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Từ ngày 4.5, HS bậc tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh An Giang chính thức đi học lại, nhưng hơn 1.300 HS ở huyện biên giới An Phú chưa thể đến trường vì đang còn ở Campuchia.
Thầy Trương Phú Vĩnh, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Thái (xã Quốc Thái, H.An Phú), cho biết trường vận động được 7 HS lớp 12 đang ở Campuchia đồng ý sang VN và cách ly theo quy định để sau đó đủ điều kiện theo học cùng các bạn. Số em còn lại có hoàn cảnh khó khăn hơn thì trường phải tiếp tục vận động. Khi HS sang VN và ở khu cách ly, nhà trường tổ chức giáo viên đến dạy, ôn tập kiến thức cho HS.
Trao đổi qua điện thoại, Bùi Văn Chiến, HS lớp 12A6 Trường THPT Quốc Thái (một trong 7 HS đồng ý sang VN cách ly), tỏ ra lo lắng: “Từ lúc ngưng đến lớp tới bây giờ em rất khó tiếp cận các bài giảng của giáo viên vì mạng internet ở Campuchia khá yếu, em rất lo kiến thức bị quên nhiều. Không biết sau khi hết cách ly, được học lại bình thường thì em có theo kịp chương trình không”.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT An Giang, H.An Phú có tổng cộng 1.347 HS từ Campuchia sang học. Khi tuyến biên giới ở huyện phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19 thì số HS này mắc kẹt bên kia biên giới. Hiện Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện quy trình đón HS lớp 12 có hộ khẩu tại VN đang sinh sống ở Campuchia về nước và cách ly theo quy định để sau đó các em được tiếp tục học. Còn 1.300 HS các khối lớp 1 đến 11 thì phải chờ lệnh mở cửa biên giới. Nếu biên giới được mở cửa trước ngày 15.6, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng để HS theo kịp chương trình, còn nếu biên giới mở cửa sau ngày 15.6 thì các trường sẽ phải động viên HS học lại năm sau.
Ông Võ Hoàng Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT H.An Phú, thông tin thêm: “Lúc bình thường, HS Việt kiều ở rất khó khăn, thiếu thốn trong việc học. Gia đình các em đa phần phải chật vật mưu sinh, nhiều gia đình chỉ cho con học đến lớp 7, lớp 8 là nghỉ để đi làm thuê. Khi dịch Covid-19 kéo dài đến khi bị khống chế thì việc huy động các em trở lại lớp thật sự là một thử thách lớn đối với giáo viên các trường ở đây. Bởi lúc đó, để tìm gặp, vận động các em quay lại lớp là việc không dễ, nhất là gia đình các em còn ở bên Campuchia”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.