>> Khánh Hoan
Biển tối sầm, chiếc thuyền câu như cái lá chao đảo, vật vã trên sóng. Những ngư dân mắt thâm quầng, suốt đêm kiên nhẫn ngồi bên mạn thuyền ôm cần câu, săn mực.
Với ngư dân, câu mực là nghề kiếm sống đầy nhọc nhằn. Sau 14 giờ trằn mình trên sóng biển, thức thâu đêm, mỗi thợ câu mực cũng chỉ thu nhập vài ba trăm ngàn đồng.
Hẹn mãi, chủ thuyền Võ Thế Lanh (xã Nghi Thiết, H.Nghi Lộc, Nghệ An) mới bố trí cho tôi ra biển trên chiếc thuyền câu mực. “Phải chọn bữa trời yên, biển lặng, chứ sức chú không chịu nổi sóng đâu”, anh Lanh nói. Gần 4 giờ chiều, nắng vẫn như dội lửa, anh Lanh cùng 3 người bạn câu, tôi và một đồng nghiệp lên thuyền. Họ mang theo 6 chai nước ngọt tăng lực trộn cà phê, 2 cái gô đựng cơm, thức ăn và cùng lỉnh kỉnh đồ câu. Chiếc thuyền từ cảng cá Cửa Lò nhằm hướng đông lao đi. Gió đông thổi mạnh, chiếc thuyền ngược sóng cứ chồm lên, lao xuống, vật vã.
Sau một tiếng rưỡi vượt sóng, anh Lanh ra hiệu cho bạn câu thả neo. “Vị trí ni cách đất liền gần 10 hải lý, tức tầm 18 cây số”, anh Lanh nhìn vào máy đo tọa độ gắn trên nóc thuyền, nói với tôi. Chiếc thuyền bị neo giữ chặt, chao đảo, giãy giụa như con ngựa bất kham khiến tôi thấy nôn nao, mệt lử.
Bốn người trên thuyền bắt đầu tra dây cước vào cần câu. Những chiếc cần câu bằng tre, dài chừng sải tay. Mồi nhử làm bằng nhựa, được các ngư dân trang trí bằng những sợi dây dù quấn quanh để tạo ra các màu sắc bắt mắt. Ngay phía dưới cái mồi nhử này là một chùm lưỡi câu. Mực thấy ánh sáng của đèn sẽ kéo đến, các mồi nhử này trôi trong nước, chúng tưởng là mồi nên bám sát lại và bị dính câu.
Sau chừng 15 phút thả câu, “cần thủ” Nguyễn Văn Bình kéo lên một con mực ván gần bằng nắm tay. Chú mực này không được “chào đón” như mực ống, vì độ ngon kém xa. Nó bị ném xoạch vào cái xô nước biển, phun mực đen sì và sẽ trở thành bữa ăn khuya của chúng tôi.
Bóng đêm phủ xuống mặt biển. Lanh giật máy nổ, bật đèn. 5 chiếc đèn cao áp gắn bên mạn thuyền sáng lòa, rọi xuống mặt nước. Đêm câu mực chính thức bắt đầu. 4 người ngồi hai bên mạn thuyền, buông câu. Những cánh tay cầm cần câu liên tục đưa lên, thả xuống để kéo mồi nhử chuyển động trong nước. Tiếng máy phát điện nổ phành phạch. Một con mực dính câu của Lanh. Anh kéo lên và đó chỉ là con mực sim, bằng ngón tay cái. Cũng như con mực ván, con mực sim bị ném vào cái xô nhựa để làm bữa ăn khuya. Dăm phút sau, cần câu của “ngư thủ” Bình cũng cong oằn. Nhưng kéo lên thì đó chỉ là một con cá nóc.
Anh Lanh nói, giờ vàng để câu mực là từ lúc trời tối hẳn cho đến tầm 23 giờ. Hơn 7 giờ tối, “cần thủ” Mạnh ở mạn thuyền bên kia kéo lên một chú mực ống bằng ngón chân cái. Đây mới thực sự là loài được chào đón. Loại này sống khỏe và bán được giá nhất vì độ ngon thượng hạng. Con mực sau khi kéo lên, lập tức được thả xuống nuôi ở khoang thuyền.
Gần 21 giờ, sau gần 2 giờ thả câu, nhìn khoang thuyền mới chỉ độ vài chục con mực, Lanh móc điện thoại gọi cho bạn câu ở thuyền khác, hỏi thăm. “Chúng nó được hơn 2 kg rồi. Thôi, nhổ neo, chuyển vị trí!”, anh Lanh giục bạn câu. Chiếc thuyền trườn trên sóng, đi qua nhiều thuyền câu khác cũng đang chong đèn sáng trưng. Độ vài chục phút sau, anh Lanh ra hiệu cho đồng nghiệp thả neo. Địa điểm mới này được kỳ vọng hơn, nhưng cũng phải tầm vài chục phút sau khi thả câu, “cần thủ” Bình mới giật được con mực đầu tiên lên. Đó là con mực ống. Và cứ sau khoảng dăm bảy phút, có khi cả chục phút, thêm từng con mực ống được ném vào khoang thuyền.
23 giờ. Gió đổi hướng. Thuyền vẫn chao đảo, lắc lư. Anh Lanh thu câu, tắt đèn câu, chuẩn bị bữa ăn tối. Một nồi mì tôm nấu với mực ván và một tô mực sim luộc cộng với thịt lợn kho mang sẵn trong cái gô cơm được dọn ra. Đói, nên bữa ăn thật ngon.
Đêm cuối tháng, mảnh trăng yếu ớt không đủ chiếu sáng. Biển tối sầm. Xa xa, ánh đèn của hàng chục thuyền câu khác vẫn chong, lấp lóa như bầu trời sao. Trên thuyền, các ngư dân vẫn bám mạn, ôm cần kiên trì giật câu. Họ không hề nghỉ, dù đôi mắt thâm quầng.
45 tuổi, nhưng nom Lanh như đã quá 50 tuổi. 15 tuổi anh đã theo cha lên thuyền ra biển.
18 tuổi anh đi lính, 2 năm làm lính hải quân ở Cam Ranh rồi xuất ngũ, về quê. 33 tuổi mới cưới vợ. Chiếc thuyền này anh mới mua lại của một người khác, gần 200 triệu đồng. Nó là nồi cơm của cả nhà 6 miệng ăn, gồm vợ chồng anh và 4 đứa con đang tuổi đi học. “Cũng phải liều vay tiền mà mua, chứ đi cái thuyền nhỏ trước đây nguy hiểm lắm. Mấy hôm nay biển yên còn đỡ, chứ gặp giông lốc bất ngờ thì sống chết chỉ trong gang tấc”, anh nói. Chiếc thuyền này cũng là “cần câu” kiếm sống nuôi gia đình của 3 bạn câu khác ở cùng làng. Từ hàng trăm năm nay, người dân ven biển Nghi Thiết này chủ yếu sống bằng nghề biển và đóng tàu, thuyền. Nhưng nghề đánh bắt gần bờ cũng oải dần vì nguồn hải sản ngày càng cạn hiếm. Đi biển giờ chủ yếu là trung niên và người già. Thanh niên thích ra nước ngoài lao động hơn ra biển.
Chỉ tay về đôi tàu cá công suất lớn đang dàn hàng ngang chạy, anh Lanh nói, đó là tàu hành nghề giã cào và nó là nguyên nhân khiến nguồn hải sản cạn kiệt nhanh. “Địa bàn đánh bắt của tàu lớn này là ngoài khơi, nhưng họ chỉ quẩn quanh ở ven bờ đánh giã cào, cào bắt hết mọi thứ, kể cả lưới của người khác thả xuống. Nhưng loại này cũng chưa ác bằng tàu dùng xung điện để đánh bắt. Nó đi qua, hải sản bị diệt hết”, anh Lanh nói.
Trước đây, chiếc thuyền của anh Lanh vừa đánh lưới vừa câu mực, thu nhập cũng khá ổn. Nhưng dăm năm trở lại đây, vào mùa câu mực từ tháng 3 đến tháng 8, anh bỏ lưới chỉ câu mực. Mực ở vùng biển Cửa Lò này ngon nức tiếng nên giá bán cao. Tuy nhiên, ở vùng gần bờ, mực ngày càng ít dần. “Mực câu ngày càng khó, mà không đi thì nhớ biển và cũng chẳng có tiền để đong gạo”, anh Lanh thở dài.
Người bạn câu Nguyễn Văn Bình năm nay 54 tuổi và đã có gần 40 năm đi biển, nhiều năm “đi bạn” tận trong Kiên Giang.
4 năm lại đây, anh về quê, chuyển sang câu mực gần bờ. Nhưng nghề mực cũng chỉ đủ trang trải qua ngày cho 4 miệng ăn trong nhà.
5 giờ sáng, chiếc thuyền nhổ neo, trở về. Hơn 1 giờ sau, chúng tôi về tới cảng cá. Thành quả
14 giờ lênh đênh trên biển của 4 ngư dân là hơn 6 kg mực, phần lớn còn sống, bán được 2,1 triệu đồng. Trừ 700.000 đồng tiền dầu chạy thuyền, còn lại được chia đều cho 5 phần (chủ thuyền được 2 phần), mỗi người gần 300.000 đồng. “Ít hơn hôm qua chút, nhưng cũng khá hơn nhiều bữa”, chủ thuyền Lanh nói.
Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển. Những ngư dân ở bến cá lục tục lên bờ, về nhà. Buổi sáng, với họ là giấc ngủ đêm. Chiều đến, họ lại lên thuyền ra biển…
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Khánh Hoan