Có khi đến đúng lúc ATM hết tiền, lại lặn lội cả quãng đường dài về tay không... câu chuyện ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho thấy sự máy móc, cứng nhắc trong triển khai trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi.
Đầu tiên phải khẳng định, việc chi trả lương, bảo hiểm xã hội qua thẻ là đúng đắn và cần thiết. Với phương thức này, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, hằng tháng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM sẽ giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Chủ trương là như vậy nhưng muốn chính sách thực sự đi vào cuộc sống thì việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất là phải tạo sự thuận tiện cho người sử dụng, để họ tự nguyện sử dụng chứ không thể cứ ép phải làm. Việc trả lương, bảo hiểm... qua thẻ ATM cũng thế, với những địa bàn chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, không nên áp dụng bắt buộc kiểu “cố đấm ăn xôi”.
Mà ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) thì đến chính ngân hàng, đơn vị đang quyết liệt triển khai trả lương qua ATM còn chê không hiệu quả do nhu cầu sử dụng không lớn trong khi chi phí lắp đặt một trụ ATM lại quá tốn kém nên không đầu tư thêm... Thế là cả 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk To cách nhau tới 40 km, đường sá đèo dốc, mùa mưa thì sạt lở nhưng không ít người vẫn phải vượt cả 70 km đến hàng trăm ki lô mét để đi rút tiền vì chỉ có một trụ ATM.
Sự việc của H.Tu Mơ Rông khiến người ta nhớ tới câu chuyện của đảo Hà Nam (Quảng Ninh) mấy năm trước. Công chức ở đây cũng lãnh lương qua tài khoản trong khi cả đảo không có... cây ATM nào. Thế nên, muốn rút tiền thì họ phải đi rất xa và phải xếp hàng rất nhọc nhằn. Ngân hàng Nhà nước khi đó cũng yêu cầu rà soát, chấn chỉnh việc áp đặt thực hiện trả lương qua tài khoản tại các địa bàn chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng và khẳng định, không áp dụng bắt buộc đối với các trường hợp điều kiện tiếp cận ATM không thuận tiện để tránh gây khó khăn cho người nhận lương.
Có câu “đầu xuôi đuôi lọt”, trả lương qua tài khoản thẻ ATM mới chỉ là bước đầu để tiếp tục một bước xa hơn là tiến tới thanh toán qua tài khoản. Nếu ngay từ đầu không khiến người dân thoải mái, ngay từ đầu tạo ra những ấn tượng không tích cực, không thuận lợi trong quy trình này thì những bước sau đó sẽ gian nan hơn rất nhiều. Vì vậy, đối với huyện vùng sâu, vùng xa, cán bộ ít, điều kiện khó khăn thì lãnh đạo nên mạnh dạn đề nghị cơ chế trả lương bằng tiền mặt như trước đây để tạo thuận lợi cho người dân chứ không nên máy móc áp dụng...
Không nên lặp đi, lặp lại chuyện nhọc nhằn lãnh lương qua ATM hết chỗ này, chỗ kia để một phương thức hiện đại, thuận tiện trở thành nỗi ám ảnh của người thụ hưởng chỉ vì sự quan liêu, cứng nhắc trong thực hiện.
Bình luận (0)