Nhọc nhằn như giáo viên mầm non lớn tuổi

29/05/2023 07:22 GMT+7

'Con cào cào có cái cánh xanh xanh', tay xúc cháo cho trẻ, miệng hát, đầu lắc lư, cô Ngọc, giáo viên mầm non, xoay một vòng quanh 5 bé ngồi trước mặt mình, mồ hôi túa ra đầm đìa trên mặt, ướt sũng cả lưng áo.

Cậu bé tên Th. vẫn lắc đầu quầy quậy không chịu ăn, túm chặt tay cô giáo khóc lớn. Như được "bật công tắc", mấy bé đang ngồi ăn ở hai bàn bên cạnh cũng khóc nức nở. Cô Ngọc lại vừa hát "con cào cào", vừa dỗ dành đút bé này ăn trong khi bé kia trèo ra khỏi ghế chạy lăng xăng, bé này giật tóc, bé kia kéo áo cô.

Có tận mắt quan sát một ngày làm việc mới thấm thía nỗi cực nhọc của các giáo viên (GV) mầm non lớn tuổi.

Nhọc nhằn như giáo viên mầm non lớn tuổi - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc bồng trẻ dỗ dành

THÚY HẰNG

"HAI THÁNG ĐẦU, MUỐN RỤNG ĐẦU GỐI"

Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, 51 tuổi, có thâm niên làm GV mầm non 30 năm, đang là GV lớp sữa bột (trẻ 6 - 12 tháng) tại Trường mầm non Phú Mỹ, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM. Cô Ngọc kể, mình từng dạy đủ lứa tuổi trong trường mầm non, từ nhà trẻ tới mẫu giáo mầm, chồi, lá. "Nhưng cực nhất vẫn là chăm trẻ từ 6 - 12 tháng", cô nói.

Lớp sữa bột có 15 trẻ, với 3 cô giáo. Các cô cho biết trẻ dưới 6 tháng tuổi đang ở trong vòng tay mẹ, gia đình, xung quanh toàn người thân, vào môi trường xa lạ các con khóc rất nhiều. Có bé khóc ròng rã 1 tháng, 2 tháng, khóc ra rả cả ngày, các cô thay phiên nhau bồng bế, ôm ấp để bé cảm nhận được sự tin tưởng, ấm áp của cô giáo. "Đợt tôi mới nhận nhiệm vụ ở lớp sữa bột được 2 tuần thì muốn bỏ nghề, vì thấy cực quá. Trẻ khóc phải ẵm cả ngày, mà ngón tay cái bên phải của tôi bị cứng khớp, bây giờ vẫn không cầm bút được, nên bồng trẻ càng khó khăn hơn. Chân thì bị đau nhức, thi thoảng phải xin cô hiệu trưởng cho nghỉ một lúc buổi sáng đi khám lấy thuốc", cô Ngọc kể.

Cô giáo mầm non 51 tuổi kể lại hồi đầu năm học có trẻ ngủ võng ở nhà quen, tới lớp không chịu ngủ giường (mỗi trẻ có một giường xếp nhỏ) hay cũi. Cứ đến trưa là các cô thay nhau bồng trẻ trên tay, lắc lắc, đung đưa trên tay suốt thì bé mới chịu ngủ, đặt xuống giường là khóc. "Bồng suốt đau tay quá, tôi ngồi dựa vào tường, đặt con lên đùi rồi rung rung đùi như thế này thì con mới chịu ngủ. Cứ thế suốt các buổi trưa, mắt thì nhắm hờ, chân thì rung, ròng rã 2 tháng, tôi đau như muốn rụng luôn đầu gối".

TRẺ ÓI TỪ ĐẦU CÔ ÓI XUỐNG

11 giờ trưa, trẻ ăn xong và chạy lăng xăng trong lớp chơi, 3 cô giáo lớp sữa bột Trường mầm non Phú Mỹ, Q.7 chia nhau mỗi người mỗi việc dọn bàn ghế, lau sàn nhà, cô thì chuẩn bị tắm cho trẻ, cô lo mặc đồ, xếp chỗ cho trẻ ngủ trưa. Trẻ phải ngủ ngon, không bé nào còn ọ ẹ hay nôn trớ, các cô mới được ngồi nghỉ mệt, ăn cơm trưa. Ăn xong các cô không phải được ngủ trưa một giấc say.

Trình Chính phủ tăng phụ cấp cho GV mầm non và tiểu học

Tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục vào chiều 27.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất và trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho GV bậc mầm non và tiểu học với hai mức tăng khác nhau.

Ông Sơn thông tin: "Tại phiên họp Quốc hội lần trước, chính Bộ GD-ĐT đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho GV. Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ GD-ĐT cũng nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và hai bộ đã thống nhất, trình lên Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho GV bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non là 10% và GV tiểu học là 5%".

"Ngày 12.5 vừa qua, tôi đã gửi văn bản chính thức sang Bộ Tài chính và hy vọng việc này sẽ được xử lý sớm. Mong đại biểu Quốc hội cũng ủng hộ trên diễn đàn Quốc hội để tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, đảm bảo số lượng người làm việc", ông Sơn nói.

Tuệ Nguyễn

Cô Dương Thị Thu Nga, 54 tuổi, có thâm niên 35 năm công tác trong ngành giáo dục mầm non, kể: "Lúc trẻ ngủ là lúc mình cần phải chú ý nhất đến sự an toàn của các con, phòng tránh nguy cơ trẻ bị sặc, nôn trớ, khó thở… Chúng tôi chia nhau trực giờ ngủ trưa của con, chỉ dám nằm ngả lưng một chút để kịp chạy tới khi nghe tiếng con ọ ẹ".

"Trẻ 6 - 12 tháng mới đi học hay khóc, mè nheo, đòi ẵm bồng, bé này khóc là bé kia khóc theo, dỗ cực lắm. Chưa kể lúc các con mệt, ho, các cô cũng phải quan tâm con nhiều hơn. Trẻ đang ăn thì ị, lúc trẻ mới đi học có khi một ngày các con ị 4 - 5 lần, các cô đang đút cho bé này ăn thì phải dừng để thay tã, tắm rửa cho bé kia. Làm một hồi là thấy quay cuồng. Ai đi làm cũng có sẵn mấy bộ đồ, vì chuyện trẻ ói từ trên đầu cô ói xuống là chuyện bình thường. Đang đút cho trẻ ăn, trẻ phun hết cháo, sữa vào người cô. Hay dọn cho bạn này, mặc được cái áo vào thì bạn khác khóc và ói hết vào người thêm một lần nữa", cô giáo Trường mầm non Phú Mỹ kể.

Nhọc nhằn như giáo viên mầm non lớn tuổi - Ảnh 3.

Cô Dương Thị Thu Nga một tay ẵm trẻ, tay kia xúc cháo cho các bé khác

THÚY HẰNG


CÓ NGÀY ĐI LÀM VỀ, NẰM VẬT RA VÌ MỆT

Cô Lưu Thúy Anh, 47 tuổi, GV lớp 3B (3 - 4 tuổi), Trường mầm non Tuổi Thơ 7, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM, được các bé gọi là "má Anh"; nhưng cũng nhiều trẻ thấy cô là chào "con chào bà" khiến cô đôi chút chạnh lòng.

Vừa là bà ngoại, vừa là cô giáo

Ở Trường mầm non Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM, cô giáo Lâm Hồng Mai, 53 tuổi, là GV lớp cơm nát (trẻ 13 - 24 tháng) đã lên chức bà ngoại từ mấy năm nay. Cháu ngoại của cô Mai cũng đang học lớp lá, nên mỗi sáng hai bà cháu cùng nhau đến trường, cháu vào lớp học, bà cũng vào lớp dạy.

Cô giáo 53 tuổi cho hay có bé phải bồng vác lên vai mình, bé mới ngủ. Có bé thì chỉ ngủ khi được nằm dựa trên người cô. Có bé phải dỗ dành, bồng vòng vòng khắp phòng mới ăn hết chén cơm. Khó khăn với GV mầm non lớn tuổi như cô Mai là sức dẻo dai để có thể bồng bế trẻ, chăm sóc trẻ liên tục từ sáng tới chiều. Kế đến là cô phải chạy, nhảy, múa hát, kể chuyện, phải linh hoạt khi ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để có thể dạy trẻ nhiều kỹ năng mới…

"Ngoài 50 tuổi mình cũng cảm nhận không còn nhạy bén được như hồi trẻ nữa, khó mà chạy nhanh, dẻo dai, múa dẻo hát hay, kể chuyện khéo như các cô mới ra trường. Giọng mình nói có khi còn khàn đặc", cô Mai tâm sự.

Những năm gần đây, cô Mai hay bị đau chân, mỏi khớp, công việc phải đứng, vận động liên tục khiến mỗi tối về nhà, chân càng đau nhức hơn.

Cô Thúy Anh có nhiều bệnh nền, cộng thêm thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch, ngày nào cũng phải uống thuốc. Yêu trẻ, yêu nghề cô giáo mầm non, nhiệt huyết với công việc, cô không ngần ngại công việc gì. Mỗi ngày đến lớp, dù mệt đến đâu nhưng lũ trẻ ùa đến đòi "má Anh ẵm con", "má Anh ôm con", cô giáo thấy có thêm động lực.

Có trẻ cô phải dỗ dành, bồng trên vai mới nín khóc. Có tuổi rồi, chân tay đau, cô Thúy Anh không bồng trẻ dễ như ngày trước được, cô nghĩ ra một cách để bé ngồi trên cái bàn, cái bục gì cao một chút rồi đứng đó ôm con, vỗ về. Có những ngày vừa đi làm về, cô Thúy Anh nằm vật ra giữa nhà vì mệt, không đụng tay đụng chân được vào việc gì.

"Nhiều GV mầm non gần 50 tuổi, trên 50 tuổi không còn sự linh hoạt được như các cô giáo trẻ nữa. Cô giáo phải luôn mắt, luôn tay, chăm trẻ ở góc này nhưng mắt cũng phải quan sát nhiều góc khác, đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ cho trẻ ra ngoài vườn tưới cây, bé chạy nhanh, mình cũng phải theo bé nhanh. Có những lúc thấy con sắp té, cô phải nhào tới đỡ con. Nhưng cô giáo lớn tuổi, chân tay đau nhức, sự linh hoạt không bằng các cô còn trẻ khỏe", cô Thúy Anh bộc bạch. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.