Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM

10/03/2024 22:56 GMT+7

Tối 10.3, tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3), triển lãm tranh lụa mang tên 'Duyên tơ' với 57 tác phẩm tranh lụa đa màu sắc của nhóm 6 Cọng Lụa đã chính thức khai mạc, thu hút sự tham quan, thưởng lãm của đông đảo người xem.

Nhóm 6 Cọng Lụa gồm 6 họa sĩ: Nguyễn Thị Đỗ Quyên (TP.HCM), Trần Thục Quyên (TP.HCM), Hoàng Hồng (Quảng Bình), Tiểu Tân (Thừa Thiên - Huế), Lương Hiền (Quảng Ninh), Xuân Nguyễn (Đồng Nai). 5 họa sĩ nữ và 1 họa sĩ nam đã gặp nhau trên hành trình nghệ thuật, cùng bén duyên với tình yêu tranh lụa.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 1.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 2.

Nhóm 6 Cọng Lụa khai mạc triển lãm Duyên tơ

T.T

Tuy 6 họa sĩ mỗi người có nghề nghiệp riêng khác nhau và hành trình hội họa khác nhau, nhưng họ cùng gặp nhau qua một chất liệu mang đến nhiều cảm xúc: tươi mới, trầm mặc, thơ mộng, bay bổng. Đó là lụa. Mỗi họa sĩ khiêm tốn tự ví mình như những "cọng tơ mỏng", nhờ duyên lành với hội họa mà đan kết lại với nhau, thành một bức tranh lớn Duyên tơ nhiều màu sắc và câu chuyện.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 3.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 4.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng (áo vest) và họa sĩ Tiểu Tân (áo dài hồng) cùng khán giả xem tranh tại triển lãm

T.T

Triển lãm Duyên tơ diễn ra từ ngày 10 - 16.3, trưng bày 57 tác phẩm tranh lụa với nhiều chủ đề: tĩnh vật, chân dung, vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người các vùng miền, gia đình, tình yêu…

Dù đề tài, bút pháp, phong cách khác nhau, nhưng các tác phẩm cùng mang đến những cảm xúc tinh khôi, nhẹ nhàng, trong trẻo, đượm tình. Giữ trọn tinh thần mềm mại vốn có của tranh lụa, cộng thêm kỹ thuật và bút pháp của mỗi họa sĩ, hồn tranh các tác phẩm được thể hiện rất riêng, thấm đẫm tính đương thời.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 5.

Đông đảo người xem cùng người thân của các họa sĩ góp mặt tại triển lãm Duyên tơ

T.T

Qua triển lãm Duyên tơ, nhóm họa sĩ mong rằng các tác phẩm cùng tình yêu và trải nghiệm mới mẻ với tranh lụa có thể góp chút hương sắc cho đời và cho người yêu hội họa, góp phần tiếp nối sự phát triển dòng tranh lụa được xem là vốn quý của hội họa Việt Nam.

Tranh lụa không xa lạ trong dòng chảy hội họa, nhưng với những khắt khe trong kỹ thuật vẽ, đồng thời phải cạnh tranh giữa dòng chảy đương thời cùng các chất liệu khác, nên dần kén người theo đuổi, dù vị thế dòng tranh này không hề nhỏ.

Lụa như một mối duyên lành, để những ấp ủ bấy lâu trong tâm trí của 6 họa sĩ có dịp được "trôi", "chảy" êm đềm qua từng mảng hình, nhân vật hay nhịp điệu tác phẩm.

Mỗi người một màu sắc, cá tính nghệ thuật riêng

Họa sĩ Tiểu Tân (sinh năm 1988, hiện là phóng viên Ban Văn hóa nghệ thuật của Báo Sài Gòn Giải Phóng, đã có tranh tham gia 7 cuộc triển lãm chung trong 3 năm qua) đến với tranh màu nước suốt 3 năm và tranh lụa hơn nửa năm nay. Khoảng thời gian này chưa đủ dài, nhưng chị cảm nhận được cái tình sâu lắng của lụa.

Trong triển lãm Duyên tơ, Tiểu Tân giới thiệu các tác phẩm có đề tài gần gũi về tình cảm gia đình, tình yêu, cùng một số bức tranh lấy cảm hứng từ vẻ đẹp con người, thiên nhiên.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 6.

Tác phẩm Buộc tóc cho em của Tiểu Tân

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 7.

Tác phẩm Tình yêu ở lại của Tiểu Tân

Tranh của Tiểu Tân khám phá những nét đẹp về tình yêu thương, sự trìu mến của những người trong gia đình. Ở đó có tình yêu của má ngọt ngào, có tình chị em đong đầy và đặc biệt tình yêu chân phương của những người yêu nhau dù có đi qua mất mát, khổ đau…

Họa sĩ Tiểu Tân chia sẻ: "Với lụa, tôi như được tâm tình, tìm thấy được sự lắng nghe. Tôi chọn đề tài mà mình cảm, chiêm nghiệm được từ cuộc sống. Đó là vẻ đẹp của tình yêu, tình thân - một vẻ đẹp thuần chất, lặng lẽ, cô đọng, mà không cần ồn ào triết lý. Hy vọng người xem tranh có thể tìm thấy một góc thương, một góc nhớ nào đó trong lòng mình qua những bức họa của tôi".

Họa sĩ Đỗ Quyên (sinh năm 1982, Thạc sĩ Mỹ thuật và hiện làm giảng viên thỉnh giảng của Đại học Mỹ thuật TP.HCM, từng 9 lần tham gia triển lãm tranh chung với các họa sĩ khác) trung thành với chủ đề về mối tương giao con người và thiên nhiên, tình mẫu tử thiêng liêng. Chị chuyên tâm tìm tòi và thể hiện chủ đề đó lên tranh.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 8.

Chắp cánh ước mơ của hoạ sĩ Đỗ Quyên

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 9.

Kiếp tằm nhả tơ của họa sĩ Đỗ Quyên

"Lụa nối kết người vẽ với người xem nhờ sự mềm mại sẵn có. Lụa mềm trong chất liệu ban đầu, càng mềm hơn khi kết hợp với màu và nước. Tôi đã chọn cho mình một hướng đi song hành với hội họa nhờ sự mềm mại vốn có này của lụa. Bởi ở đó, người họa sĩ có thể gửi gắm tâm tình một cách mượt mà hơn, với hy vọng những câu chuyện về tình mẫu tử, hay vẻ tinh khôi của lá, của hoa cứ theo dải màu trên mặt lụa chảy ngọt vào tim người thưởng lãm. Tôi luôn hy vọng những tình cảm này, dù chỉ ví như một vệt màu, một nhát cọ thôi cũng đủ để đọng lại trong lòng người yêu hội họa sự đồng cảm, yêu mến đã bén duyên cùng lụa", họa sĩ Đỗ Quyên bày tỏ.

Họa sĩ Thục Quyên (sinh năm 1984, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2013, hiện là Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật nữ, Hội Mỹ thuật TP.HCM, có hơn 11 lần triển lãm chung) trước nay vốn được biết đến là "người họa sĩ với những chuyến đi", đã lưu giữ chất liệu sống và sáng tác khởi đi từ những gì bình dị nhất của từng mảnh đất mà chị đặt chân đến.

Có thể là chân dung những người dân bình dị, hòa mình với đất và nước nơi họ sống; có thể là cành cây, cọng cỏ, nhánh hoa ven đường…, nhưng chị luôn nhìn ra vẻ đẹp kết nối của tự nhiên và con người.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 10.

Tác phẩm Chân dung 01 của họa sĩ Trần Thục Quyên

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 11.

Sông quê của họa sĩ Trần Thục Quyên

Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ vươn lên như những bông hoa kiên cường giỏi giang trước những chông gai sỏi đá của cuộc sống hiện lên sống động trong tranh lụa của chị. Thục Quyên thích vẽ những bộ trang phục của người dân tộc bởi đó là điển hình của bản sắc, và bởi chị yêu nếp sống mộc mạc, bình dị của nhân vật.

Họa sĩ Thục Quyên chia sẻ: "Nhiệm vụ của người cầm cọ chỉ đơn giản là người lữ hành, khiêm tốn rút tỉa và giãi bày lên mặt tranh những trích đoạn đầy thơ mộng đó. Kèm theo là cảm xúc của riêng mình với hy vọng chạm vào từng nấc thang trong tâm hồn người thưởng lãm".

Họa sĩ Lương Hiền (sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM năm 2002, làm nhiều việc không liên quan mỹ thuật nhưng có học thêm về mỹ thuật cùng đam mê đã giúp chị có quá trình thực hành hội họa và triển lãm tranh suốt từ năm 2016 đến nay) chọn chủ đề cây cỏ hoa lá, ẩn chứa nhiều câu chuyện ý nghĩa và cảm xúc tích cực. Chị cho biết thiên nhiên giúp chị tìm lại cho chính mình sự giản đơn, hồn nhiên và trong sáng…

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 12.

Tác phẩm Căng khung vẽ lụa của họa sĩ Lương Hiền

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 13.

Tác phâm Hoa thiên điểu (bay đi) của họa sĩ Lương Hiền

Họa sĩ Lương Hiền cho biết: "Với sự hướng dẫn tận tình của Nhà giáo Ưu tú - họa sĩ Kim Bạch, tôi đã tìm được mối dây kết nối với hội họa, tranh lụa và các họa sĩ, đồng nghiệp. Sáng tác, trưng bày tác phẩm trong triển lãm Duyên tơ lần này cũng là cách chúng tôi thể hiện tình yêu với lụa. Hành trình này sẽ luôn tiếp tục bởi người cầm cọ ngày càng hiểu, càng yêu và càng bay bổng hơn với chất liệu này".

Họa sĩ Xuân Nguyễn (sinh năm 1989, tốt nghiệp Tài chính quốc tế của Đại học Ngoại thương TP.HCM năm 2011, đã có 7 cuộc triển lãm tranh nhiều thể loại như sơn dầu, sơn mài, acrylic, khắc gỗ... trước đó) mang đến các bức tranh chân dung về những thiếu nữ, em bé từ vùng cao Thái Nguyên, Mộc Châu, Hà Giang.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 14.

Tác phẩm Em bé Mộc Châu của họa sĩ Xuân Nguyễn

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 15.

Tác phẩm Mùa hoa cải 1 của họa sĩ Xuân Nguyễn

Xuân Nguyễn biết đến tranh lụa từ lâu nhưng năm 2023 mới lần đầu tiên thả những nét cọ đầu tiên trên nền lụa tơ tằm, thắm đậm tính truyền thống Việt Nam. Vẽ lụa mang đến một cảm giác rất khác so với các chất liệu khác chị từng trải nghiệm.

"Là một người vẽ sơn dầu theo trường phái trừu tượng thể hiện, khi chuyển qua lụa, tôi mê say vẽ những bức chân dung thiếu nữ và các em bé miền núi, những bông hoa đa sắc màu. Đó là một sự chuyển mình rất lớn trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Nếu đối với các chất liệu khác, màu là yếu tố tạo nên sự khác biệt thì với lụa, chính nền lụa lại làm nên điều riêng biệt cho cả người vẽ và người xem", chị chia sẻ.

Họa sĩ Hoàng Hồng (sinh năm 1984, tốt nghiệp mỹ thuật, thiết kế công nghiệp của nhiều trường đại học, có 10 lần triển lãm chung và giành nhiều giải thưởng mỹ thuật khác nhau) mang đến những tác phẩm tinh tế qua vẻ đẹp của hoa trái, sản vật, hay hình tượng thiếu nữ đương độ xuân thì nhưng luôn mưu cầu tự do, không ràng buộc.

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 16.

Tác phẩm Hương rừng 01 của họa sĩ Hoàng Hồng

Nhóm 6 Cọng Lụa tươi mới, bay bổng với triển lãm tranh lụa 'Duyên tơ' tại TP.HCM- Ảnh 17.

Tác phẩm Hương sắc của núi 02 của họa sĩ Hoàng Hồng

"Vẽ lụa mang đến cho tôi những trải nghiệm đáng quý. Tôi đến với lụa như cuộc gặp gỡ rất tình cờ. Có lẽ, do đã quen mình với thủy mặc nên việc bén duyên với lụa cũng là một điểm dừng chân vừa quen vừa lạ. Cảm giác quen vì cũng là màu, là nước. Nhưng lạ ở chỗ thay vì giấy, thì lụa lại thay tôi truyền tải những câu chuyện mà mình gửi gắm. Ở lụa có độ đằm nhất định, nhưng cũng cho khoảng 'bay' của cảm xúc mà màu mang lại. Tôi mong được cùng các đồng nghiệp cống hiến cho đời và cho người - những điều mới mẻ, thú vị của hội họa, của lụa...", nam họa sĩ Hoàng Hồng tâm tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.