Dự đoán “trúng tủ” gây hiểu lầm là đề thi bị lộ
Theo diễn biến sự việc, ngày 6.7 vừa qua, trước ngày thi THPT môn ngữ văn, tài khoản Facebook “Kaito Kid” đưa ra dự đoán: “Đề thi chính là Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nha mọi người. Chúc mọi người ngày mai thi tốt”. Đáng lưu ý, tài khoản mạng xã hội này từng 2 lần liên tiếp dự đoán đúng tác phẩm xuất hiện trong đề thi môn ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2 năm trước đó.
Tài khoản mạng xã hội “Kaito Kid” được cho đoán “trúng tủ” đề thi THPT môn ngữ văn trong 3 năm |
CHỤP MÀN HÌNH |
Từ việc dự đoán trên, ngày 14.7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 từ Bộ Công an. Kết quả xác minh cho thấy, đối với đề thi môn ngữ văn “hoàn toàn không có việc lộ đề thi”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của 3 sinh viên (thuộc một trường đại học tại TP.HCM) là quản trị mạng “Kaito Kid” dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng. “Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi” và “Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử - PV). Cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với nhà trường và địa phương để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật”.
Cần làm rõ vi phạm cụ thể
Phân tích vụ việc theo thông báo dẫn ở trên, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nếu khẳng định nội dung đăng tải của nhóm “Kaito Kid” có “dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ” với lý do “đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi”, thì cần làm rõ dấu hiệu vi phạm được nói đến ở đây là vi phạm quy định nào. Hơn nữa, khi nói “có dấu hiệu vi phạm” không có nghĩa là “đã vi phạm” và sẽ bị xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền.
"Kaito Kid" là 3 sinh viên đại học tại TP.HCM |
Theo luật sư Vũ, Nghị định số 15/2020, cụ thể là các quy định tại điều 101, không có quy định về việc xử phạt đối với hành vi “tạo ra sự hiểu nhầm trong dư luận”, mà chỉ có quy định xử phạt đối với hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”. Do đó, cần làm rõ nội dung đăng tải của nhóm này có phải là “thông tin bịa đặt”, gây “hoang mang trong nhân dân” hay không? “Tôi cho rằng nội dung đăng tải của nhóm “Kaito Kid” về đề thi môn ngữ văn, nếu đây chỉ là nội dung dự đoán, không khẳng định hay đưa ra bất kỳ thông tin nào về việc lộ đề thi, thì không có dấu hiệu đưa tin sai sự thật, thông tin bịa đặt và cũng không phải trường hợp gây hoang mang trong nhân dân”, luật sư Vũ phân tích và cho rằng có lẽ đây là sự việc hy hữu, trùng hợp ngẫu nhiên về việc đoán đúng đề thi nhiều năm. “Để xử phạt vi phạm hành chính thì cần cân nhắc thận trọng có hay không hành vi vi phạm, mức độ xử lý, ý nghĩa và tác dụng của việc xử lý đó”, luật sư Vũ nói.
Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), trong vụ việc cụ thể liên quan nhóm “Kaito Kid”, nếu xác minh “không có việc lộ đề thi môn ngữ văn”, đồng thời “việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng”, thì đã gián tiếp chứng minh hành vi trong sạch, ngẫu nhiên của nhóm “Kaito Kid”. “Các quan hệ xã hội vốn phức tạp, đa dạng, và pháp luật không thể điều chỉnh hết. Song muốn xử phạt một hành vi vi phạm, nguyên tắc cơ bản là phải chứng minh hành vi đó có vi phạm và được điều chỉnh bởi quy định nào hay không”, luật sư Thảo nói.
Bình luận (0)