Sau khi giải cứu con trai ông Kim Jong-nam là Kim Han-sol cùng mẹ và em gái đến một địa điểm an toàn, nhóm Dân phòng Cheollima đã biến mất như chưa hề tồn tại. Những dấu vết để lại của họ chỉ là vài tuyên bố ngắn ngủi thông báo kết quả và cảm ơn các bên liên quan đã hỗ trợ cuộc giải cứu.
Tuy nhiên, nhóm này mới đây đã lần đầu tiên đồng ý trả lời truyền thông về chiến dịch bí mật của họ. Một đại diện của Dân phòng Cheollima nói với tờ The Wall Street Journal rằng có "nhiều bên đã nỗ lực can thiệp" vào cuộc giải cứu.
Cheollima có nghĩa là "Thiên lý mã", tên một con ngựa có cánh thần thoại có thể đi ngàn dặm mỗi ngày và được Triều Tiên xem là biểu tượng cho quá trình phát triển thần tốc, thường xuất hiên trên các con tem và tượng đài ở nước này.
Theo tờ báo Mỹ, Cheollima đồng ý kể về một số chi tiết của quá trình giải cứu vì muốn tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho các cuộc giải cứu trong tương lai. "Chúng tôi thất vọng vì bị vài quốc gia từ chối bảo vệ trong năm nay", một đại diện của nhóm viết thông qua tài khoản email chính thức của họ.
Theo lời kể, Cheollima đã tìm kiếm sự giúp đỡ của các chính phủ nước ngoài để giải cứu Kim Han-sol. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan đã hỗ trợ về mặt di chuyển, visa và các khía cạnh khác của kế hoạch, theo nhóm này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay họ không có thông tin về cuộc giải cứu trong khi chính phủ Hà Lan và Mỹ từ chối bình luận.
Một số quốc gia khác, bao gồm Canada, đã từ chối trợ giúp. Theo một người nắm rõ về quyết định của Canada, chính phủ nước này lo ngại việc hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quá trình thương thuyết nhằm trả tự do cho mục sư người Canada Lim Hyeon-soo đang bị cầm tù ở Triều Tiên lúc bấy giờ.
Theo tờ The Wall Street Journal dẫn một nguồn thạo tin, gia đình Kim Han-sol ban đầu đã bay đến thành phố Đài Bắc ở Đài Loan. Họ ở lại tại phi trường trong 30 giờ đồng hồ căng thẳng để chờ nhận visa và lịch trình bay đến điểm đến cuối cùng. Tuy nhiên, Cheollima từ chối xác nhận lộ trình của Kim Han-sol cũng như điểm đến của họ.
tin liên quan
Xuất hiện đoạn video về con trai của ông Kim Jong-namTờ The Wall Street Journal cho hay Cheollima là một trong nhiều nhóm giúp đỡ những ai tìm cách trốn khỏi Triều Tiên. Đại diện của họ tiết lộ nhóm bao gồm những người ở ngoài lẫn ở trong nước.
Một người Triều Tiên đào tẩu vốn không phải là thành viên của Cheollima tiết lộ nhóm này là một tổ chức nhỏ nhưng quan hệ rộng chuyên giúp người Triều Tiên bỏ trốn qua ngả Trung Quốc và Đông Nam Á. Một nhà hoạt động nhân quyền ở châu Âu xác nhận nhóm này gồm những người Triều Tiên và có quan hệ tốt với các chính phủ nước ngoài. "Họ hành động rất nhanh chóng và được xác nhận ở cấp cao nhất", người này nói. Hai nhà ngoại giao phương Tây cũng khẳng định Cheollima là tổ chức đáng tin cậy.
Đại diện của Cheollima cho biết gia đình ông Kim Jong-nam đã liên hệ trực tiếp với họ sau khi xảy ra vụ giết hại một người Triều Tiên mang hộ chiếu Kim Chol ở sân bay Kuala Lumpur của Malaysia ngày 13.2. Phía Malaysia cũng như Mỹ và Hàn Quốc khẳng định người bị giết hại là ông Kim Jong-nam song Bình Nhưỡng đã cực lực bác bỏ.
Bình luận (0)