Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nhấn mạnh như vậy tại buổi bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiệp vụ nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hôm 19.9. Bà Điệp đặc biệt lưu ý các phòng GD-ĐT các quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp với UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non, nếu phát hiện những nhóm lớp độc lập chưa được cấp phép, hoạt động sai theo giấy phép được cấp cần được xử lý nghiêm và kịp thời.
"Để mở được một nhóm lớp độc lập tối đa 7 trẻ thì phải thẩm định kỹ lưỡng điều kiện rồi mới được cấp phép, điều kiện rất chặt chẽ, Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể. Không phải giữ 7 trẻ thì giữ như ở gia đình, muốn làm gì thì làm. Cơ sở đó phải có từng phòng, lứa tuổi nào thì đồ chơi nào, dụng cụ nào, chăm sóc như thế nào để trẻ được phát triển chứ không phải một ngày thấy mình có bằng trung cấp mầm non rồi nhận 7 trẻ mang về nhà mình giữ, mỗi trẻ mình lấy 3 triệu thế là một tháng mình có 21 triệu đồng đâu", bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh.
"Mở nhóm lớp độc lập là phải mở với tình yêu thương, chứ không phải lợi dụng trẻ em, những người làm nghề chăm sóc, giáo dục trẻ em phải có đủ tình yêu thương với trẻ", Trưởng phòng giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị.
Tại buổi bồi dưỡng tổ chức trực tuyến cho khoảng 7.000 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cả công lập, ngoài công lập tại TP.HCM, bà Lương Thị Hồng Điệp yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non phải thường xuyên rà soát môi trường, đồ dùng đồ chơi đủ số lượng, vệ sinh sạch trong và ngoài lớp; các khu vực nhiều cây xanh, mạng lưới điện, trần nhà và hệ thống cửa, mái che di động... đảm bảo an toàn cho trẻ theo độ tuổi.
"Đặc biệt các thầy cô giáo phải chú ý kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ trong trường lớp. Như trong mùa mưa này thì cái mái che di động ở trường có an toàn không, chú ý xem cây cối trong sân trường có an toàn không, có nguy cơ bật gốc không, xem ổ điện, rồi cửa sổ, khung sắt có an toàn không, cái gì có nguy cơ là điều chỉnh ngay", bà Điệp nói.
Bà Điệp cũng lưu ý, các giáo viên cần chú ý từ những chậu cây, bình trồng cây ở trong nhà vệ sinh trong lớp. Bà Điệp đi tới nhiều trường kiểm tra thì thấy các cô trồng cây đẹp, nhưng các cô cũng phải xem những cái chậu cây để đó có an toàn tuyệt đối cho trẻ không, có nguy cơ gì với trẻ không, có khiến mình bị mất thời gian, phân tâm chú ý không. Bởi nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất của các cô khi ở trường, ở lớp là tập trung vào trẻ nhỏ, dành toàn bộ sự chú ý, quan tâm, săn sóc, dạy dỗ của các cô vào các em nhỏ chứ không phải cây cối.
Xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân có hành vi gây tổn hại trẻ
Sở GD-ĐT TP.HCM mới ban hành Công văn 5833 về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và tăng cường công tác phối hợp quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT đề nghị từng phòng GD-ĐT cần phải phối hợp chặt chẽ với UBND các phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non, các trung tâm, cơ sở giữ trẻ để kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo. "Kiên quyết đình chỉ, xử lý các cơ sở giáo dục mầm non và cá nhân có hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với trẻ; chấn chỉnh các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện bảng tên không đúng theo đăng ký trong giấy phép thành lập; các cơ sở chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoặc hoạt động sai theo giấy phép được cấp cần được xử lý nghiêm và kịp thời", công văn nêu.
Lãnh đạo Sở này cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình quy định tại Thông tư số 01/VBHN-BGDĐT ngày 13.4.2021 của Bộ GD-ĐT; chú ý lựa chọn các bài tập, nội dung hoạt động phù hợp theo độ tuổi sinh hoạt và khung thời gian năm học.
Đối với trẻ 5 tuổi, giáo viên tập trung hướng dẫn và tổ chức các hoạt động làm quen chữ viết và làm quen với toán; chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1.
Đồng thời, cần hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, vệ sinh phòng chống các dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ theo quy định và xây dựng nội dung kế hoạch thực hiện các chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên và trẻ em...
Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non
Trong bài giảng của mình hôm 19.9, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh tới đảm bảo quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.
Với cán bộ quản lý phải đảm bảo ứng xử đúng mực, tôn trọng đồng nghiệp, cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và trẻ. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng và minh bạch. Xử lý các tình huống phát sinh theo quy định và đảm bảo sự công bằng trong giải quyết các vấn đề. Gương mẫu trong việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức nhà giáo trong cơ sở giáo dục mầm non. Công bằng và trung thực trong mọi quyết định và hành động quản lý. Tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên trong việc phát triển chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.
Với các giáo viên mầm non, đạo đức nghề nghiệp thể hiện được khi giáo viên thực hiện công việc với lòng yêu nghề và trách nhiệm cao, đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu; giữ gìn phẩm giá nghề giáo, không tham gia vào các hoạt động hoặc hành vi làm giảm uy tín của nghề; đối xử công bằng với tất cả trẻ em, không phân biệt đối xử hoặc ưu tiên cá nhân, nghiêm túc thực hiện quyền trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Bình luận (0)