Nhóm máu AB: Khả năng thụ thai cao nhưng cũng dễ mắc bệnh hơn

11/10/2024 04:08 GMT+7

Nhóm máu AB từ lâu đã là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Liệu nhóm máu này có thực sự hiếm, có những đặc điểm gì đặc biệt?

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Phương, chuyên gia Nội tiết - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết nhiều người vẫn cho rằng nhóm máu AB là một nhóm máu hiếm. Tuy nhiên, thực tế nếu chỉ xét trên hệ ABO thì không hoàn toàn như vậy. Theo thống kê, tại Việt Nam nhóm máu AB chỉ chiếm khoảng 3-5% dân số. So với các nhóm máu khác như O, A, B thì tỷ lệ này thấp hơn. Tuy nhiên, để được xếp vào nhóm máu hiếm theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ đó phải dưới 0,1%. Vì vậy, nhóm máu AB không được coi là nhóm máu hiếm.

Nhóm máu hiếm ít được dùng cho các trường hợp thuộc nhóm máu hệ ABO mà thay vào đó là hệ nhóm máu khác là Rhesus (Rh), đặc biệt là Rh (-), do ở Việt Nam, tỷ lệ người có Rh (-) chỉ là 0,04-0,07%, tức là trong 10.000 người chỉ có 4-7 người có Rh (-).

Những người sở hữu cả hai nhóm máu là AB và Rh (-) là những trường hợp cực hiếm (< 0,01%). Trường hợp bệnh nhân có nhóm máu AB, Rh (-) cần truyền máu gấp thường gây khó khăn cho bác sĩ khi cần sử dụng các chế phẩm máu để điều trị. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các cơ sở y tế trong việc đảm bảo đủ máu để điều trị cho những trường hợp đặc biệt này.

Nhóm máu AB: Khả năng thụ thai cao nhưng cũng dễ mắc bệnh hơn- Ảnh 1.

Theo thống kê, tại Việt Nam nhóm máu AB chỉ chiếm khoảng 3-5% dân số

ẢNH: FREEPIK

Đặc điểm về sức khỏe của người mang nhóm máu AB

Theo bác sĩ Phương, các nghiên cứu đã chỉ ra một số đặc điểm riêng biệt về sức khỏe của người nhóm máu AB. Những người có nhóm máu AB, A, B có nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch cao hơn nhóm máu O do có có nồng độ yếu tố von Willebrand (VWF) cao hơn. Ung thư tuyến tụy có vẻ phổ biến hơn ở những người có nhóm máu A, AB hoặc B so với người mang nhóm máu 0.

Nhóm máu AB có xu hướng dễ bị nhiễm vi rút noro hơn nhóm máu O. Loại vi rút này gây ra bệnh viêm dạ dày-ruột, dẫn đến nôn mửa và tiêu chảy.

Nghiên cứu từ Đại học Y khoa Albert Einstein và Đại học Yale (Mỹ) đã đo lượng hoóc môn kích thích nang trứng (FSH) trong máu. Mức FSH cao khiến việc thụ thai khó khăn hơn. Phụ nữ nhóm AB có ít FSH hơn do đó phụ nữ có nhóm máu này dễ thụ thai hơn.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu cho thấy, người có nhóm máu AB dễ bị dị ứng với các loại hạt, hải sản, trứng, sữa và gluten.

Nhóm máu AB: Khả năng thụ thai cao nhưng cũng dễ mắc bệnh hơn- Ảnh 2.

Nhóm máu AB có thể nhận máu từ tất cả các nhóm máu khác

Ảnh: Freepik

Nhóm máu AB và truyền máu

Nhóm máu AB có kháng nguyên A và B, không có kháng thể anti A và anti B do đó nhóm máu AB có thể nhận máu từ tất cả các nhóm máu khác như A, B, O mà không gặp phải phản ứng truyền máu. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho những người cùng nhóm.

Đặc biệt những người sở hữu nhóm máu hiếm AB Rh (-) nếu cần truyền máu gấp hoặc gặp phải tai nạn mất máu hay trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu thì không phải bệnh viện nào cũng có sẵn nguồn máu Rh (-) dự phòng.

"Chính vì thế những những người sở hữu nhóm máu AB Rh(-) nói riêng hoặc những người nhóm máu Rh (-) nói chung gồm cả A Rh (-), B Rh (-), O Rh (-) nên tích cực chăm sóc bản thân và gửi máu vào ngân hàng máu đề phòng khi cần dùng đến, nếu có thể thì hãy tham gia vào hội những người mang nhóm máu hiếm để có thể giúp nhau khi cần thiết", bác sĩ Phương khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.