Nhóm nghiên cứu Trung Quốc dùng AI tính chi phí xây dựng hạ tầng ở Biển Đông

03/03/2023 18:14 GMT+7

Một nhóm nghiên cứu Trung Quốc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mô phỏng việc xây dựng, vận hành mạng lưới cơ sở hạ tầng hậu cần mà Bắc Kinh định xây dựng ở Biển Đông.

Tổng chi phí của các cơ sở nói trên sẽ dao động từ 6 - 20 tỉ nhân dân tệ (870 triệu đến 2,9 tỉ USD) trong một thập niên, tùy thuộc vào kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông, theo tờ South China Morning Post hôm nay (3.3) dẫn mô phỏng từ máy tính do một nhóm nghiên cứu Trung Quốc thực hiện.

Bà Triệu Băng, phó giáo sư tại Trường Khoa học và Kỹ thuật vận tải thuộc Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc (Thiên Tân) và đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho rằng để tiết kiệm tiền, Trung Quốc có thể kiểm soát chỉ 17 đảo nhỏ. Còn theo kịch bản tốn kém nhất do nhóm này đưa ra, mạng lưới hậu cần của Trung Quốc bao phủ 80 đảo nhỏ ở hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng nhiều thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trong kịch bản này, Trung Quốc sẽ tốn 20 tỉ nhân dân tệ để xây dựng các bến cảng, nhà kho và đội tàu chở hàng mới cũng như duy trì các dịch vụ máy bay thường xuyên giữa lục địa Trung Quốc và 20 sân bay trên các đảo, theo nhóm nghiên cứu của bà Triệu.

Nhóm nghiên cứu dùng AI đoán chi phí cho tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Trung Quốc đã xây dựng phi pháp đường băng và một số công trình khác trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

AMTI

Nhóm nghiên cứu của bà Triệu cho hay mạng lưới hậu cần mà họ mô phỏng sẽ cho phép Trung Quốc cử nhân viên hỗ trợ và vật liệu đến bất kỳ hòn đảo nào trong vòng 6 giờ sau một cơn bão hoặc các sự kiện bất ngờ khác.

Cũng theo nhóm nghiên cứu của bà Triệu, chính phủ Trung Quốc đã mở rộng hoặc xây dựng một số bến cảng và sân bay trong quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông trong những năm gần đây. Họ nhận định việc xây dựng các cơ sở vận tải này đã tạo điều kiện cơ bản rất thuận lợi cho việc xây dựng mạng lưới hậu cần của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhóm nghiên cứu của bà Triệu nhận định hầu hết các đảo ở Biển Đông đều cách xa lục địa Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về công bố của Mỹ về các vấn đề ở Biển Đông

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng 7 thực thể bị nước này chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa thành những đảo nhân tạo phi pháp.

Đến năm 2015, Bắc Kinh nói đã ngừng hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông, nhưng đã có báo cáo rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố những thực thể đó bằng các căn cứ quân sự tiên tiến cũng như hệ thống tên lửa, radar, đường băng và máy bay chiến đấu, theo South China Morning Post.

Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.