Nhóm phi hành gia Nga lên trạm không gian ISS

19/03/2022 19:45 GMT+7

Nhóm nhà du hành vũ trụ mới đã có mặt trên trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Sự kiện này diễn ra một ngày sau khi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thông báo đình chỉ kế hoạch hợp tác với Nga đưa tàu thăm dò lên sao Hỏa do cuộc xung đột Ukraine.

Chuyến bay đến trạm vũ trụ kéo dài 3 giờ 10 phút sau khi tàu Soyuz cất cánh từ Sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở Kazakhstan hôm 18.3. Họ được đón chào bởi các "cư dân" có mặt trên trạm ISS, gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và 1 người Đức.

Nỗ lực hợp tác trong không gian giữa Mỹ và Nga đang đứng trước thách thức lớn giữa lúc quan hệ hai nước trở nên căng thẳng trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-21 phóng tới trạm ISS từ bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Baikonur

reuters

Trong nỗ lực cấm vận Nga và Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cao chống lại Moscow. Theo ông, đây là động thái nhằm "làm suy yếu" ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga, bao gồm cả chương trình không gian của nước này.

Sau đó, Tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ông Dmitry Rogozin, trông một loạt bài đăng trên Twitter cảnh báo rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể "phá hủy" tinh thần đồng đội của ISS và dẫn đến việc trạm vũ trụ có thể rơi ra khỏi quỹ đạo.

Các thành viên phi hành đoàn và thành viên dự bị trong cuộc họp báo trước sứ mệnh

reuters

Trước đây, ISS ra đời một phần nhờ sáng kiến đối ngoại nhằm cải thiện mối quan hệ Mỹ-Nga sau khi Liên Xô tan rã. Những phát biểu gần đây của ông Rogozin đã khiến một số người trong ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ suy nghĩ lại về mối quan hệ đối tác NASA-Roscosmos.

Giới chức NASA cho biết các thành viên phi hành đoàn ISS của Nga và Mỹ mặc dù biết về những sự kiện trên trái đất, nhưng vẫn làm việc cùng nhau một cách chuyên nghiệp. Theo NASA, những căng thẳng địa chính trị không ảnh hưởng đến trạm vũ trụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.