Nhóm sinh viên nghiên cứu về lòng ái kỷ trên mạng xã hội của Gen Z

06/10/2024 17:58 GMT+7

Mong muốn được người khác chú ý và đánh giá cao, muốn thao túng suy nghĩ của người khác, muốn được ngưỡng mộ... Mạng xã hội trở thành công cụ để thể hiện cái tôi và thỏa mãn lòng ái kỷ của Gen Z.

Một đề tài nghiên cứu khoa học hiếm hoi về Gen Z của nhóm sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Khoa học và công nghệ của Bộ GD-ĐT.

Đề tài nghiên cứu có tên “Ảnh hưởng của lòng ái kỷ đến sự hài lòng trong cuộc sống của Gen Z: Một nghiên cứu về tính cách của Gen Z”, do nhóm sinh viên gồm Trần Yến Hảo (trưởng nhóm), Nguyễn Hoàng Minh Giang, Nguyễn Kim Yến và Đinh Thị Mộng Hoài, cùng khoa Quản trị kinh doanh, thực hiện trong vòng một năm, dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đan Thanh.

Nghiên cứu trên xoay quanh việc khám phá mối quan hệ tương quan giữa lòng ái kỷ, chứng nghiện mạng xã hội và sự hài lòng trong cuộc sống của Gen Z tại Việt Nam.

Chứng nghiện mạng của Gen Z xuất phát từ lòng ái kỷ?

Yến Hảo cho biết: "Hiện nay đề tài nghiên cứu về các yếu tố tác động đến sự hài lòng trong cuộc sống của Gen Z tại bối cảnh Việt Nam còn khá khan hiếm. Tụi em đang trong độ tuổi Gen Z nên muốn hiểu rõ chính mình trước nên đã cùng nhau triển khai đề tài này".

Nhóm sinh viên nghiên cứu về lòng ái kỷ trên mạng xã hội của Gen Z- Ảnh 1.

Nhóm sinh viên ở độ tuổi Gen Z nên quyết định chọn đề tài nghiên cứu về Gen Z

ẢNH: NVCC

Theo Hảo, thế hệ Gen Z luôn thích thể hiện mình, đặc biệt là thể hiện trên các nền tảng mạng xã hội và cho rằng giá trị của bản thân nằm ở số lượng tim, like, comment... Liệu có phải do Gen Z có "lòng ái kỷ" lớn và những hành động như nghiện tim, like trên mạng xã hội... sẽ khiến bản thân hài lòng với cuộc sống hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, Minh Giang cho biết nhóm đã khảo sát qua internet và thực tế thông qua bảng câu hỏi được thu thập từ 426 người trẻ có độ tuổi từ 13-26 (189 nam và 273 nữ), có thời gian sử dụng mạng xã hội ít nhất 2 tiếng mỗi ngày tại TP.HCM, đặc biệt tập trung nhóm tuổi 17-21. Thời gian thực hiện trong tháng 6 và 7.2023.

Sau quá trình khảo sát, nghiên cứu, nhóm sinh viên nhận thấy một thực trạng ở Gen Z là rất quan tâm đến những lượt like và comment trên mạng xã hội, cực kỳ mong muốn được người khác chú ý và đánh giá cao, muốn được ngưỡng mộ... Tất cả những điều đó, theo định nghĩa của các nhà tâm lý học, là biểu hiện của lòng ái kỷ.

"Lớn lên trong môi trường sống kỹ thuật số và tiếp xúc mạng xã hội từ khi còn rất nhỏ, Gen Z nhận được sự chăm sóc, sự quan tâm và yêu thương từ người khác trong thế giới ảo nên có nguy cơ nghiện mạng xã hội. Chứng nghiện này khiến Gen Z dễ dàng trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội như một công cụ để thể hiện cái tôi, thỏa mãn lòng ái kỷ, làm nên sự hài lòng", Kim Yến cho hay.

Kết quả nghiên cứu cho thấy lòng ái kỷ có thể có ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng trong cuộc sống của thế hệ Gen Z thông qua tương quan với lòng tự trọng và chứng nghiện mạng xã hội.

Giúp Gen Z nhận thức rõ hơn về bản thân

Theo Mộng Hoài, kết quả nghiên cứu của nhóm sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho các chính sách và chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ tinh thần của Gen Z. "Chúng ta có thêm những hiểu biết sâu sắc về thách thức mà giới trẻ đang đối mặt trong thế giới số. Từ đó đề xuất các giải pháp giúp Gen Z xây dựng được lối sống lành mạnh và cân bằng giữa thế giới trực tuyến và thực tế", Mộng Hoài chia sẻ.

Nhận xét về đề tài nghiên cứu này, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đan Thanh, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: "Nhóm sinh viên đã chọn một đề tài rất hay, thiết thực và mang tính thời sự. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tâm lý sinh viên đang là mối quan tâm lớn và lòng ái kỷ ngày càng trở thành một vấn đề cần được chú ý trong xã hội".

Theo tiến sĩ Đan Thanh, đề tài này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của lòng ái kỷ trong việc định hình cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân, mà còn mở ra những góc nhìn mới về sự hài lòng trong cuộc sống. Nghiên cứu có thể giúp chính sinh viên, những người đang trong độ tuổi Gen Z, nhận thức rõ hơn về bản thân, từ đó tìm ra các phương pháp cải thiện sự tự tin và khả năng quản lý cảm xúc.

"Việc phân tích mối liên hệ giữa lòng ái kỷ và sự hài lòng không chỉ giúp nhóm sinh viên xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc mà còn tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc nhóm nghiêm túc và sự nỗ lực của các bạn trong suốt quá trình nghiên cứu. Các bạn không chỉ thể hiện khả năng phân tích và tổng hợp thông tin tốt mà còn biết cách vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn", tiến sĩ Thanh nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.