Phụ tải tăng mạnh
Sản lượng điện nhận của 11 ngày đầu tháng 3 tại TP.HCM đạt gần 81,2 triệu kWh/ngày, tiếp tục tăng vượt hơn sản lượng bình quân 11 ngày đầu tháng 3 năm ngoái là 74,5 triệu kWh/ngày. Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), dự báo sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3 của TP đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3.2023 là 78,33 triệu kWh/ngày.
Trước đó, số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM bình quân ngày của 2 tháng đầu năm đạt 75,34 triệu kWh/ngày, cao hơn 11,39% (tương đương 7,7 triệu kWh/ngày) so cùng kỳ năm ngoái. Theo EVNHCMC, phụ tải điện sinh hoạt tại TP tăng 11,9% (chiếm 49,55% tổng phụ tải); các phụ tải ngoài sinh hoạt (chiếm 50,45% tổng phụ tải) tăng 7,32%. Trong đó, phụ tải có tỉ trọng lớn nhất là công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng phụ tải). Điều này cho thấy có sự phục hồi trong ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng, mức tăng trưởng trong sử dụng điện là 6,2%.
Tương tự, báo cáo về tình hình, dự báo cung cấp điện tại 21 tỉnh thành phía nam, thuộc địa bàn của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cung cấp điện cho thấy, tính lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ của Tổng công ty đạt 13 tỉ 575,74 triệu kWh, tăng 13,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó đã trừ mức tiết kiệm ở 2,43% tương ứng sản lượng tiết kiệm đạt khoảng 330 triệu kWh.
Đặc biệt, EVNSPC cho hay, số lượng khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/tháng có mức tăng trưởng hơn 15,6%; tiêu thụ dưới mức 1 triệu kWh/tháng, tăng hơn 12,3%. Đáng chú ý là các tỉnh thành có tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cao đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, tỉnh Bình Dương có mức tăng sử dụng điện 12,04%, Tây Ninh tăng đến 29,6%, Long An tăng 14,2%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 14,9%, Đồng Nai tăng 11,4%...
Dự báo sẽ có những ngày dùng điện cao nhất lịch sử
Trước tình hình tiêu thụ điện tăng vọt ngay khi vào đầu mùa khô, đại diện EVNHCMC cho biết, dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của các tháng từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ tiếp tục tăng cao, đạt từ 84,3 - 87,6 triệu kWh/ngày.
Đỉnh điểm trong tháng 4 và 5 năm, sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày. Đây là mức cao nhất, chưa từng có trong lịch sử tại TP.HCM. Năm ngoái, vào ngày 6.5, TP.HCM lập đỉnh tiêu thụ điện cao nhất từ khi có điện (tính đến thời điểm ngày 6.5.2023), trên 94,802 triệu kWh/ngày.
Thực tế dù chưa có hoá đơn điện tháng 3, nhiều người đã phập phồng lo hoá đơn tiền điện tháng này tăng cao do nắng nóng gay gắt và kéo dài. Hầu hết các gia đình đều tăng thời gian sử dụng quạt, máy lạnh, tủ lạnh... cho nhu cầu hằng ngày.
Ngành điện cũng dự báo, trong giai đoạn cao điểm nắng nóng (từ tháng 3 - 7), tình hình sử dụng điện của khách hàng tăng cao. "Để thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, EVNHCMC đã làm việc với các tổ chức tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời... triển khai kế hoạch tiết kiệm điện. Theo đó, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 cho các hoạt động chiếu sáng trên. Với các tòa nhà văn phòng, khách sạn, dịch vụ thương mại, chung cư... yêu cầu tắt hoặc giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào cao điểm buổi tối...
Riêng tại các hộ gia đình, các chuyên gia khuyến cáo tiết kiệm và sử dụng điện thông minh đối với các thiết bị điện. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 - 3% hiệu suất tiêu thụ điện, dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.
Bình luận (0)