Nhu cầu nhân lực TP.HCM quý 1 và dự báo quý 2/2023

07/04/2023 11:09 GMT+7

Dự báo nhu cầu nhân lực quý 2/2023, TP.HCM cần tới 73.000 lao động, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu.

Ngày 7.4, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (đơn vị thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết quý 1/2023, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ với 46.692 chỗ làm việc (chiếm 62,78%), khu vực công nghiệp - xây dựng với 27.524 chỗ làm việc (37,06%); khu vực nông - lâm - thủy sản chỉ có 53 chỗ làm việc (0,07%).

Một số ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý 1 như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô; khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông... Mức lương tuyển dụng nhiều nhất từ 5 - 15 triệu đồng/tháng.

Nhu cầu nhân lực TP.HCM quý 1 và dự báo quý 2/2023 - Ảnh 1.

Thị trường lao động TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề

NGỌC DƯƠNG

Về nhu cầu tìm việc, kết quả khảo sát của trung tâm nói trên cũng cho thấy, người lao động tìm việc nhiều nhất ở các vị trí việc làm thuộc ngành kinh doanh thương mại, hành chính - văn phòng, nhân sự, kế toán - kiểm toán... Mức lương tìm việc chủ yếu từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

TP.HCM cần tới 73.000 lao động trong quý 2/2023

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu cũng cho hay, quý 2, thị trường lao động TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Dự báo nhu cầu nhân lực quý 2/2023 cần khoảng 67.000 - 73.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm (chiếm 21,05% tổng nhu cầu), trong đó ngành cơ khí chiếm 6,03%; điện tử công nghệ thông tin chiếm 6,96%; chế biến lương thực thực phẩm chiếm 4,11%; hóa dược - cao su chiếm 3,95%.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 58,03%, trong đó: ngành thương mại chiếm 17,12%; vận tải, kho bãi dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 3,09%; du lịch chiếm 3,44%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 4,92%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 7,11%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 8,42%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 10,01%; giáo dục - đào tạo chiếm 2,51%; y tế chiếm 1,41%.

Ngoài ra, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92% tổng nhu cầu nhân lực; trong khi đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp - 13,08% tổng nhu cầu nhân lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.