Ngày 16.3, Sở Công thương TP.HCM phối hợp Tổng công ty Điện lực TP.HCM và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn "Người tiêu dùng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả".
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng. Trong khi đó, than, dầu khí là các nguồn năng lượng không tái tạo ngày càng cạn kiệt. Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu than, đã nhập khẩu than và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng đều từ nhiều năm qua. Trong khi đó, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo nhưng trữ lượng đã khai thác đến mức tối đa. Điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác cũng chỉ mới phát triển. Ông nói: "Nhu cầu điện trên đầu người của Việt Nam tuy còn thấp so với nhiều nước, nhưng tăng đều mỗi năm. Thế nên, bảo đảm nguồn cung điện là thách thức không nhỏ. Trong khi đó, tình trạng sử dụng điện còn nhiều lãng phí. Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được coi là quốc sách".
Ông Bùi Trung Kiên cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hằng năm, ngành điện thành phố tiết kiệm trung bình 2% tổng lượng điện tiêu thụ, riêng năm 2022 tiết kiệm được khoảng 550 triệu kWh. "Việc cùng chung tay thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và an toàn là giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình và những người xung quanh", ông Kiên nhấn mạnh. Dịp này, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng kêu gọi người dân thành phố hưởng ứng Chiến dịch giờ trái đất năm 2023, tắt đèn từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 vào ngày thứ bảy tuần tới (25.3). Hiện ngành điện thành phố đang ưu tiên các chương trình "sử dụng điện thông minh" cho 2 nhóm khách hàng sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt. Đây cũng là 2 nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng sử dụng điện rất lớn, đến 80 - 85% tổng nhu cầu điện của cả thành phố.
Thông tin tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cũng nêu một số thách thức trong nguồn cung ứng điện trong năm nay. Đó là tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nguồn điện gió, điện mặt trời vẫn còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư. Trong khi đó nhu cầu sử dụng điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Từ đó việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng.
Bình luận (0)