Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 329 tấn. Nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng T.Ư và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao trong quý 2.
Giá vàng trung bình đạt 2.338 USD/ounce, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 2.427 USD/ounce trong quý 2.
Các ngân hàng T.Ư và các tổ chức thuộc Chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, mức tăng chậm lại so với quý 1 nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Khảo sát ngân hàng T.Ư hàng năm của Hội đồng Vàng thế giới đã xác nhận, các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp.
Nên hay không kiểm soát đầu cơ vàng?
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết: "Đầu tư vàng toàn cầu vẫn ổn định, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lên 254 tấn. Nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN mà chúng tôi theo dõi riêng trong xu hướng nhu cầu vàng vẫn tích cực, tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do tiền mất giá".
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam cao nhất trong 10 năm
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xu như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước.
Kết quả là nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu trong quý 2 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam và Indonesia ghi nhận nhu cầu vàng trang sức yếu hơn trong quý 2, trong khi Thái Lan đi ngược lại xu hướng.
Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua.
Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới, nhận định: "Giá vàng tăng và phá kỷ lục đã thu hút sự chú ý khi nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng T.Ư và thị trường OTC thúc đẩy giá vàng.
Thị trường OTC tiếp tục chứng kiến nhu cầu mua vàng từ các tổ chức và các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao, cũng như các văn phòng gia đình, khi họ chuyển sang vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức đã giảm mạnh trong quý 1 khi giá vàng tiếp tục ở mức cao; điều này cũng khiến một số nhà đầu tư bán lẻ muốn chốt lời".
Theo bà Louise Street, với đợt cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ sắp diễn ra, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đang tăng lên nhờ sự quan tâm trở lại từ các nhà đầu tư phương Tây.
Sự phục hồi bền vững của hoạt động đầu tư từ nhóm này có thể thay đổi động lực nhu cầu về vàng trong nửa cuối năm 2024.
Tại Ấn Độ, đợt cắt giảm thuế nhập khẩu vừa được công bố gần đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhu cầu vàng, nơi giá vàng cao đã cản trở việc người dân mua vào. Mặc dù có những khó khăn tiềm tàng đối với vàng trong tương lai, nhưng cũng có những thay đổi đang diễn ra trên thị trường toàn cầu có thể hỗ trợ và làm tăng nhu cầu vàng.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, hiện tại không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng.
Các ngân hàng T.Ư đang mua vào vàng, đặc biệt, khối Brics (gồm các nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - PV) cũng đang mua vào vàng... Các yếu tố này sẽ đẩy giá vàng lên cao, ảnh hưởng tới thị trường vàng của Việt Nam.
Nửa cuối năm 2024, theo vị chuyên gia này, vàng là lĩnh vực đầu tư nên cẩn trọng nhất, bởi không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. "2024 là năm mà Nhà nước rất quan tâm đến thị trường vàng, sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ, nhà đầu tư thận trọng là tốt nhất", ông Hiếu nói.
Tổng nguồn cung vàng quý 2 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng khai thác tăng lên 929 tấn. Khối lượng vàng tái chế tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu quý 2 tăng cao nhất kể từ năm 2012.
Các quỹ ETF toàn cầu ghi nhận 7 tấn vàng chảy ra theo các dòng tiền nhỏ trong quý 2. Các quỹ ở châu Á tiếp tục tăng trưởng, trong khi dòng tiền lớn chảy ra từ các quỹ ở châu Âu vào tháng 4 đã chuyển thành dòng tiền nhỏ mới trong tháng 5 và tháng 6; dòng tiền chảy ra từ các quỹ ở Bắc Mỹ chậm lại đáng kể so với quý 1.
Bình luận (0)