Như xuân tìm xứ - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

19/01/2025 09:00 GMT+7

Thằng Ấu nhất quyết chỉ có cha già xuôi ghe từ Cái Rơn xuống chợ đèn dầu mỗi cuối tuần mới biết. Chứ hỏi khắp cái chợ thì ai cũng lắc đầu nguầy nguậy. Đám bán chợ này sinh sau đẻ muộn, khi mà trái sáng đã thôi rơi ngoài phía rạch, hỏa châu thôi làm đèn soi đêm khu bốn.

Ổng kể mình nghe. Đúng sai sao ai biết. Giờ tui hỏi mấy bà biết Châu Long Sa ở đâu không? Nhưng, ông khách lạ tóc bạc ngọn heo may đời mình thì biết.

Mười bốn tuổi, Ấu làm thằng vé số. Mười sáu tuổi nó kiêm thêm thằng ve chai. Chạy bán chỗ nào cũng vác theo cái bao nho nhỏ lượm đồ bỏ đi. Ai cho gì lấy nấy. Năm nó mười tám tuổi, người ta mở cái chợ theo đề án xây dựng khu phố ẩm thực đêm, khôi phục lại cái chợ đèn dầu của thời xa xưa. Bữa lang thang lượm ve chai trong chợ, nó gặp cái sạp đờn ca tài tử phục vụ khách đến chợ ăn chơi. Vậy là nó đâm ra ghiền coi hát, cuối tuần nào cũng ngồi bên dưới hóng mỏ lên đớp từng lời ca. Tan hát nó lầm lũi vác cái bao đi lượm ve chai rồi đi sâu về cuối chợ, leo lên chiếc ghe nhỏ nổ máy lạch bạch chạy về rạch Mông Lung. Khúc rạch nằm sâu trong vàm sông đầy củ co, với một xóm quê nghèo nàn.

Mấy bận như vậy trôi qua, cho đến hôm có đám xăm mình từ đâu kéo đến chợ trong cơn say chạy lên chiếu hát, giật cái

mi-cờ-rô đòi hát. Thì mấy ông thầy đờn, mấy người nghệ sĩ quýnh quáng chạy, thiên hạ cũng chạy. Mỗi thằng Ấu ngồi yên, giương mắt ngó. Đám say rượu được thể đá loa, đập đàn. Chợ đêm lộn xộn tiếng chửi, tiếng la. Trong hỗn độn thanh âm đó, bất giác có tiếng gào to "chạy đi công an tới kìa". Thân ảnh cao to của Ấu nhảy vào đám say rượu nắm tay kéo chạy. Chạy trối chết.

Quãng tiếng sau thấy nó ướt nhem quay về sạp đờn ca tài tử. Thiên hạ chợ đêm bu quanh nó, hỏi thằng ve chai, công an hồi nào mậy. Tự dưng la làng tán loạn lên à! Thằng Ấu cười khùng khục. Ủa rồi hổng giả bộ la vậy sao dụ đám say rượu phá chợ bỏ chạy. Tui lôi tụi nó chạy về mé rạch. Tụi nó vừa say lại vừa sợ. Tui nhảy xuống kêu bơi qua rạch trốn. Tui nó nhảy theo đùng đùng. Bơi nửa đường tui bơi ngược về. Núp bên này nghe ngóng coi tụi nó bỏ đi hết chưa. Chừng êm tui chạy về đây nè. Rồi nãy giờ ai thấy bịch ve chai của tui đâu hông? Chủ sạp được phen cười rân trời. Ai nói thằng ve chai khùng đâu trời. Nó khôn thí mồ. Dụ đám giang hồ đi còn nhớ quay lại tìm bịch ve chai. Nhưng, ngó tới ngó lui không thấy bịch ve chai đâu.

Thiên hạ tản ra lo dọn dẹp sạp hàng, chỉ mỗi thằng Ấu lang thang kiếm bao ve chai. Lạ lùng, không một dấu vết cái bao của nó. Hệt như xứ này luôn có những chuyện mà Ấu chẳng tài nào hiểu đặng.

***

Đã bảy giờ tối rồi, sao cha già Cái Rơn chưa tới. Chả mê cải lương muốn chết, chả thèm vọng cổ hơn thèm gái. Ngay cái lúc mong chờ ổng nhất thì ổng không xuất hiện. Mấy bận chiều mưa dầm dề, vậy mà ổng cũng ráng xuôi ghe từ Cái Rơn qua đây để chờ nghe. Ổng là khách mối lạ lùng nhất chợ. Ai đời từ Sa Đéc lại bỏ cả buổi trời chạy ghe qua Cao Lãnh để nghe hát chợ. Nghe đêm thứ bảy xong, ổng bỏ ghe lại rạch, đi về phía ngã tư sương đêm rồi mất hút. Chừng chiều tối chủ nhật lại thấy ổng ngồi ngay ngắn bên dưới ngó lên chiếu hát đến vãn tuồng mới lót tót đi về rạch Mông Lung, nổ máy ghe ngược lại Cái Rơn.

Thiên hạ chợ đêm túm tụm lại xì xào ổng ghé nhà bà chấm mắt ghe. Con mẹ nổi tiếng treo đèn trước cửa. Chấm mắt ghe là phụ, dụ đàn ông mới là chính. Cũng đâu ai biết cha út Trong. Thiên hạ đồn bả cặp thằng cha nào đó làm bên nhà đèn hồi năm bảy lăm. Sau bảy lăm thì chả bị đi cải tạo. Rồi mất hút. Cũng có người nói bả lấy Mỹ, thằng lính phi công bỏ bả bay từ sân bay Cần Thơ ra thẳng chiến hạm ở Biển Đông. Năm đó bả mười tám, đẹp nhất xứ này. Rồi ai đó nói bậy bạ hết sức. Bả làm giao liên mấy mẹ ơi. Sau bị tụi giặc phát hiện nó bắt, đày ra tận Côn Đảo. Ngày bả về xác xơ như tàu lá chuối. Bả cũng có chồng. Mà tại thời tù tội tra tấn đến nỗi con bả đẻ ra èo uột chết trẻ hết ba đứa. Chồng bả mới bỏ đi. Bả đẻ thằng út Trong lúc đã đi qua bốn mươi tuổi đời. Nghe đâu với ông thương lái người Phúc Kiến từ Sa Đéc qua đặt chấm mắt ghe. Ngặt nỗi ổng còn bà vợ lớn, nên bà chấm mắt ghe lủi thủi nuôi con. Thằng út Trong lai người Hoa nên da trắng, mũi cao, mắt một mí thấy không? Ai đó hỏi nhưng như câu khẳng định chắc nịch.

Chẳng biết đúng hay sai, nhưng lời đồn luôn khiến thiên hạ tin sái cổ.

***

Thằng Ấu gặp ông khách lạ ngay cầu Đúc, ổng đứng nhìn dòng Cao Lãnh chia hai bờ nam bắc. Ổng biểu nó theo ổng xuống ngay chân cầu, lòn vô dạ cầu ngồi quán nước mía, ổng chỉ phía thành phố khăng khăng nhà ổng ở đó. Chỉ là giờ người ta xây cái trường học to đùng. Ổng kể chuyện lữ quán. Ổng gọi ba chữ Châu Long Sa. Ổng khóc cho cái bà nào phía bến Tầm Dương, ổng kêu tui biết rượu Hoàng Hoa bán đâu không? Hồi đó chỉ có Kiến An Cung mới ủ được rượu Hoàng Hoa. Thứ rượu được ủ bằng hoa vàng hứng nắng của sân Thiên Tỉnh nằm giữa chính cung mới cho ra vị thơm nồng nàn quyến dụ. Rượu say nhưng đầu mình tỉnh rụi. Ngủ một giấc dậy là cơ thể khỏe mạnh phi thường. Trái gió trở trời người yếu nhấp ba hớp rượu là ấm bụng dạ, xương khớp cứng cáp. Thứ rượu mà hồi đó trước khi cha ổng đi thuyền lớn nhấp bảy ngụm. Nhấp vậy mà cha ổng đi biền biệt không về. Chỉ duy nhất lần đó, rượu Hoàng Hoa không còn linh nghiệm như lời thiên hạ đồn thổi.

Nhưng, hồi ổng nhảy thuyền rời xứ ổng cũng nhấp bảy ly rượu Hoàng Hoa, dẫu chẳng biết đường về của mình sẽ ra sao. Hơn bốn chục năm rồi. Những ngày giá buốt ổng luôn nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa đâu là mùa sum vầy ở cố hương. Thường mấy lúc lòng tao tác, ổng thức trọn đêm. Ra mảnh vườn nhà trồng mấy cây khế, pha ly cà phê, ngó về hướng tây mà thon thót lòng.

Bận đó, thằng Ấu hẹn ổng tối nay tới đây, ngay cái chiếu hát này, chắc chắn có người biết biết chuyện xứ Châu Long Sa kể ổng nghe. Nhưng nay mưa dầm dề hổng ai tới chợ. Xứ này quá trời chuyện, biết đâu mà lần. Biết ai kể rồi ai nghe cho đặng, cho thấu lòng người.

***

Bây giờ đã sắp xuân, nắng mai non theo chướng dặt dìu lên khắp miệt đồng bưng. Kiến An Cung cúng tạ lễ khởi công trùng tu bến Tầm Dương. Thiên hạ nô nức đến từ sớm. Đám đông bu đen nghịt ngay chỗ bà chấm mắt ghe làm lễ tế ghe tống quái. Lòng ghe đựng toàn lễ vật muối gạo, cùng sớ cầu của bà con thôn xóm nguyện ước xui rủi năm này theo ghe mà trôi ra biển cả. Bà chấm mắt ghe đúng giờ hoàng đạo bày mười hai cây cọ ra rồi khấn thần sông rửa cọ. Cọ được nhúng xuống dòng Cái Rơn cho ngậm nước nở lông. Đoạn bà pha màu rồi bắt đầu những nét vẽ. Mắt ghe dần hiện lên. Viền mắt xanh đậm. Lòng mắt đỏ au. Chấm mắt đen tuyền. Mười hai nét vẽ là ra một con mắt. Dù đã bảy mươi tuổi nhưng đôi tay bà vẫn lả lướt. Hai cặp mắt ghe xong là tới phần điểm nhãn cho ghe thuận nước mà tới. Trong khói hương trầm bay bổng. Câu khấn lầm rầm chẳng ai nghe thấy. Nhưng nét mặt ai cũng nghiêm trang thành kính. Nhưng, lời khấn của bà chấm mắt ghe có khi như hát, có lúc như khóc. Thiên hạ nói khắp Cửu Long mỗi ghe của bả chấm mắt là sau bài khấn nhìn lại mắt ghe bỗng như mắt người. Lung linh. Sinh động. Ghe cũng có hồn. Hồn ghe như hồn người. Nhìn vào mắt là biết. Chỉ cần bả chấm mắt ghe, là chủ làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt. Gặp sóng to gió lớn ghe vẫn không chìm. Gặp bọn gian thương trộm cướp ghe sẽ hất mũi ba cái. Gặp người thiện lành đức độ ghe sẽ cúi đầu ba cái. Chẳng biết đúng sai, nhưng lời đồn nhanh hơn gió, mạnh hơn bão, và dễ khiến người ta tin hơn bất cứ lời nói chân thật nào trên đời này. Dân thương hồ cứ thế mà tìm đến. Bà chấm mắt ghe dứt câu khấn, tung mười hai cây cọ xuống dòng Cái Rơn. Bả khom mình khỏa tay xuống nước. Rồi đưa lên úp vào mặt. Chiếc ghe cuối bả chấm mắt. Cái tên cô Tẻ chấm mắt ghe từ nay chỉ còn nằm trong ký ức của dân Cửu Long.

Trời đã bắt ngọn nắng vàng phủ lên Kiến An Cung một màu vàng tươi. Xứ này ai cũng biết ngôi chùa trăm tuổi được người Phúc Kiến chạy giặc từ Chợ Lớn xuống tới đây gá thân những năm hai mươi của thế kỷ trước. Từ đó họ sống quần tụ trên dòng Cái Rơn và lập nên một bến thuyền ghe mua bán tấp nập. Họ cho xây chùa theo tập quán của người mình để cầu mưa thuận gió hòa, để công việc làm ăn buôn bán phát đạt. Kiến An Cung tạo hình theo chữ Công, với ba gian nhà, không có kèo chỉ những đòn tay ráp mộng với nhau, chịu lực trên những cột gỗ tròn. Mái ngói ba lớp được lợp gợn lên như vảy rồng theo kiểu ngũ hành với mỗi đỉnh chớp là sáu cung điện chạm trổ tỉ mỉ. Nhà chính là Điện Kiến An với sân chầu lấy khí trời từ một vòm tròn rộng lớn mang tên Cửu Thiên Đài. Nắng gió từ trời dội xuống sân Thiên Tỉnh như một cách mà người xứ này cầu nguyện lẫn gột rửa những hư hao xui rủi hoặc tội lỗi đời mình. Lễ chính bái cũng được làm ở sân Thiên Tỉnh.

Lễ chính tạ theo nhịp trống giục giã vang rền. Người dân lại lao xao từ bến Tầm Dương chạy về sân Thiên Tỉnh.

***

Sẩm tối, dòng Cái Rơn lặng con nước. Bến Tầm Dương có bốn người ngồi. Má út Trong nhẩm tính, từ ngày ông tóc bạc bỏ xứ theo chiếc thuyền nhỏ cùng gia đình cũng hơn nửa đời người. Giờ quay lại mọi thứ đã thay đổi. Ông thấy không, giờ Châu Long Sa đâu còn nữa, người ta gom nam bắc Cao Lãnh về chung một tỉnh gọi là Đồng Tháp. Hồi cha ông tập kết rồi hy sinh, cho đến lúc giải phóng thì lữ quán An Thành cũng dẹp luôn. Cái chợ đèn dầu cũng mới khôi phục lại sau quãng năm chín mươi. Ông à, đời con người ta khôn dại đôi khi chỉ một lần. Hồi đó anh em đồng đội khuyên ông biết bao nhiêu. Ông lại chọn cách ra đi. Giờ ông về cũng chỉ là mớ ký ức xưa cũ chắp nối trên những đổi thay. Con người ta luôn nhìn ngày mai mà sống.

Tỷ như cái chân của ông sáu Chàm, ngoại thằng Ấu cũng mất đi trong lần địch chống cự hồi mùa chướng bảy tư, làm sao lấy lại. Có chăng con người ta phải sống bằng chính sự chấp nhận cả vui buồn của phận số mình. Ổng cũng chiến đấu, cũng thương binh, cũng nghèo nhưng đâu bao giờ bỏ xứ. Tụi mình có đứa chiến đấu, có đứa nằm trong lòng địch để đưa tin, có đứa núp bóng Kiến An Cung để che giấu bộ đội để làm gì? Tất cả cũng chỉ cầu mong cho xứ mình không còn bom đạn. Người ta đợi cả đời để được sống thanh bình, ông đợi có vài năm lại nản chí. Nhưng, tụi mình giờ già rồi, nhắc mấy cái đó đâu để làm gì. Còn gặp lại, còn thấy đủ đầy những đứa đã từng núp trong cái sân Thiên Tỉnh mà ngửa mặt cầu trời cho qua trận bố ráp ngày đó, nói thiệt đã là phước ân tổ tiên.

Ông tóc bạc, người anh cả của nhóm giao liên ngày ấy, bỗng gục đầu khóc nức nở. Sân Thiên Tỉnh của những năm bảy tư đã như một chỗ ẩn náu an toàn nhất của bộ đội mình. Kiến An Cung của hội Phúc Kiến chí ít cũng khiến đám quân ác ôn của khu bốn kiêng dè. Chúng nể cái sự giao thương làm chủ kinh tế vùng của người Hoa xứ này mà né ra. Hồi đó tía của cha già Cái Rơn đào hầm dưới cái sân Thiên Tỉnh để giấu cán bộ. Ổng nói đất này phong thủy. Tụi nó có tới cũng bị trời che mắt, đất ôm cán bộ vào lòng. Tin ổng đi.

Ai cũng tin. Nhưng đám giặc không tin. Chúng lùng nát Kiến An Cung nhưng tuyệt nhiên không dám đập phá. Chí ít chúng còn sợ chốn tôn nghiêm này. Cứ vậy Kiến An Cung như một nơi tuyệt đối an toàn cho quân ta.

Câu chuyện nối dài câu chuyện. Ký ức nối liền ký ức. Có tiếc nuối của người ra đi. Có lòng bằng an của người ở lại. Nhưng, tất thảy cũng đã là xưa xa. Gần năm mươi năm đất này thôi bom đạn, mắc gì mình giày xéo lòng nhau để thêm mòn mỏi những tháng ngày cuối đời của mình. Thôi uống cái đi. Rượu Hoàng Hoa uống trên bến Tầm Dương. Trời ơi nhớ cái thời tụi mình còn trẻ quá mấy ông bà ơi. Giọng ông Cái Rơn ấm cả sương đêm.

Gió luồn câu chuyện châu thổ những ngày cuối năm mơn man vào tận sân Thiên Tỉnh. Thằng Ấu với út Trong sau một buổi dọn dẹp nằm ngả người giữa sân ngó lên Cửu Thiên Đài. Hai thằng con trai thở dài theo câu chuyện của năm mươi năm đất này. Châu thổ vẫn ôm vào lòng những phù sa bạt ngàn nỗi thương. Vậy nên mỗi bận Tết nhứt, những câu chuyện xưa cũ xứ này cứ như hoa, trổ đóa rực rỡ để người ta biết đường mà tìm về với nhau. Như xuân tìm xứ, như người tìm đất. 

Như xuân tìm xứ - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo- Ảnh 1.

Minh họa: Văn Nguyễn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.