Điển hình vụ hơn 400 cây thông tại tiểu khu (TK) 144B, P.8 (Đà Lạt) bị đầu độc, triệt hạ nằm la liệt, khiến lãnh đạo TP.Đà Lạt bất ngờ, còn dư luận thì ngỡ ngàng.
Nhưng chỉ sau vài tuần, đến lượt rừng đặc dụng tại TK 158C, P.5 (TP.Đà Lạt), thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây nguyên quản lý, bị bao chiếm, cưa hạ cây rồi san ủi đất chôn lấp để phi tang.
Rừng thông tại TK 144B bị triệt hạ hàng loạt |
LÂM VIÊN |
Đến ngày 8.6, cả 2 vụ phá rừng trên vẫn chưa xác định được thủ phạm. Theo dõi sát các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây nguyên nói chung dễ thấy “mô típ” tương tự nhau. Khi giá sang nhượng đất tăng cao thì các vụ phá rừng, bao chiếm đất lâm nghiệp trái phép được phát hiện càng nhiều.
Để hình thành một cánh rừng cần thời gian hàng chục năm, thậm chí trăm năm, nhưng biến nó thành đồi trọc thì chỉ trong chốc lát nếu chủ rừng, các lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) thiếu cái tâm, thiếu tinh thần trách nhiệm; thậm chí thông đồng, bảo kê hoặc ngó lơ trước tình trạng rừng bị phá, bị chiếm để sang nhượng trái pháp luật.
Từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Lâm Đồng chưa xác định đối tượng vi phạm chiếm tỷ lệ trên 34%. Bên cạnh đó, lại có hàng chục kiểm lâm, cán bộ QLBVR xin nghỉ việc. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết đang cần tuyển gấp 40 kiểm lâm, nhưng chưa tuyển được. Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT Lâm Đồng “cầu cứu” UBND tỉnh chỉ đạo ngành công an thành lập các chuyên án để điều tra, xử lý các đối tượng, băng nhóm tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp rồi mua bán, sang nhượng trái phép.
Thông qua các vụ việc trên, có thể thấy rằng, nếu chủ rừng, các lực lượng QLBVR sâu sát hơn với khoảnh rừng mà mình được phân công quản lý, bảo vệ thì sẽ hạn chế được tình trạng phá rừng; đồng thời cần ứng dụng công nghệ viễn thám, vệ tinh, công nghệ thông tin trong công tác QLBVR nhằm sớm phát hiện để hạn chế mất rừng.
Bình luận (0)