Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2014 cả nước xảy ra 388 vụ tai nạn giao thông đường sắt, với nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực, số vụ giảm 7,6% nhưng thương vong còn ở mức cao với 161 người chết và 256 người bị thương (giảm 30 người chết và bị thương).
Một đường ngang băng qua đường sắt - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Trên 3.143 km đường sắt qua 34 tỉnh, thành phố hiện nay có 5.751 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, tức khoảng 0,5 km/điểm giao cắt, cá biệt như tỉnh Thanh Hóa bình quân chỉ 368m/điểm giao cắt, trong khi nhiều đôi tàu có tốc độ lớn khi đi qua đây, nên rất nguy hiểm.
Trong số điểm giao cắt trên cả nước có 1.515 đường ngang nhưng chỉ có 651 điểm có người gác, còn lại 4.268 lối đi dân sinh vào thôn, xã không được cảnh báo. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định trong 331 đường ngang có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt có đến 56,7% vị trí có mức độ nguy hiểm cao. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đề xuất phải có chế tài mạnh mới không phát sinh đường ngang trái phép mới.
Sở GTVT TP.Đà Nẵng dẫn chứng, sau khi làm 10 đường gom, lập mới 5 đường ngang, xây 1 cầu vượt đường sắt, địa phương đã xóa 37/67 đường dân sinh nguy hiểm. Tuy nhiên địa phương cũng thừa nhận xây đường gom không dễ dàng khi làm gấp, vốn Trung ương không phân bổ kịp khiến thi công dở dang, gây bức xúc cho nhân dân, ảnh hưởng đời sống, nên hiện 3 đường gom tại Q.Cẩm Lệ đã tạm dừng dự án. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong năm 2015 sẽ chia trách nhiệm cụ thể các đơn vị, địa phương, về vốn xây đường gom hạn chế do phê duyệt cùng lúc nhiều địa phương nên năm này Bộ GTVT sẽ giải quyết theo thứ tự ưu tiên.
Bình luận (0)