Một trong các vấn đề nổi cộm hiện nay mà điều tra thực tế của Báo Thanh Niên cho thấy là bên cạnh đào tạo chui ngành nghề liên quan y tế, nhiều cơ sở còn hành nghề trái giờ được cấp phép. Cụ thể, phòng khám đăng ký hành nghề ngoài giờ hành chính nhưng làm luôn giờ hành chính, đây được xem là hành nghề không phép.
Dù các hành vi nói trên đều có quy định pháp luật điều chỉnh nhưng tình trạng này vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên.
KHÓ THIẾT LẬP HÀNH VI ?
Điển hình như Nha khoa Tâm Đức (Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha, 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình) dù được Sở Y tế cấp phép hoạt động ngoài giờ hành chính nhưng ngang nhiên hoạt động giờ hành chính (Báo Thanh Niên từng phản ánh). Thời điểm tháng 4.2024, dù bị Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử phạt 193 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4 tháng rưỡi nhưng ngay sau đó, nơi này vẫn bất chấp hoạt động cho đến khi các cấp chính quyền vào cuộc.
Mới đây nhất, Phòng khám sản phụ khoa Mary Tân Phú (Công ty TNHH Bệnh viện Mary do Sở KH-ĐT cấp phép, 166A Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) được Sở Y tế cấp phép hoạt động ngoài giờ nhưng trong giờ vẫn có đội ngũ nhân viên khám chữa bệnh. Trong đó, nổi lên vấn đề là bác sĩ đứng tên chuyên môn không có mặt trong các ngày làm việc tại cơ sở này. Họ để mặc cho những người không có chứng chỉ hành nghề, không chuyên môn y tế tung hoành, xem thường sức khỏe, tính mạng người bệnh và thu lợi bất chính. Ngày 18.10, sau bài ghi nhận, phản ánh của Báo Thanh Niên, Phòng khám sản phụ khoa Mary Tân Phú đã không mở cửa như mọi khi.
Liên quan đến vấn đề hoạt động trái phép về giờ giấc, đại diện Phòng y tế Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết việc kiểm tra, phát hiện "cũng hơi khó". Theo vị này, muốn phạt hành vi khám trái phép thì phải bắt gặp quả tang đang thực hiện hành vi, nếu không họ sẽ cãi là: "Chỉ mở cửa tiếp nhận bệnh cho bác sĩ về làm". Vừa qua, Phòng y tế Q.Tân Phú đã phạt một số cơ sở mở cửa hoạt động nhưng không có bác sĩ với hành vi "không có bác sĩ". Theo vị này, muốn kiểm tra việc này, các quận phải đồng loạt làm. Một khó khăn khác là bác sĩ đăng ký làm ngoài giờ nhưng có hôm ra trực thì lại đến phòng khám làm trong giờ. Do đó, kiến nghị cần có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho bác sĩ làm thêm đúng quy định.
"Thời gian qua địa phương đã kiểm tra, xử lý nhiều người, nhiều cơ sở hành nghề không phép. Một số thì có chứng chỉ hành nghề nhưng chưa làm đăng ký kinh doanh, chưa có giấy phép hoạt động, có những nơi đã thẩm định cơ sở đạt và chờ giấy phép. Chúng tôi xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không phép. Nhưng có khó khăn là sau khi trình kiểm tra xử phạt, có trường hợp dù trước đó đã thừa nhận nhưng sau khi ký quyết định xử phạt thì khiếu nại, khiếu kiện", đại diện Phòng y tế Q.Tân Phú nói thêm.
Đại diện Phòng y tế Q.10 cũng cho rằng ngoài kiểm tra, giám sát của địa phương về đào tạo lĩnh vực y tế chui, khám chữa bệnh chui thì cũng cần có ký kết liên tịch giữa các quận, huyện để quản lý. Đặc biệt là quản lý những đối tượng bị phát hiện, xử phạt ở địa phương này, sau đó chạy qua địa phương khác tiếp tục hoạt động. Riêng vấn đề hành nghề trái phép (trái giờ đăng ký), vị này cho hay cần lưu ý để giám sát kiểm tra, và vấn đề này cũng sẽ được Q.10 triển khai trong thời gian tới.
QUẢN LÝ BẰNG SỐ HÓA
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có hơn 20.000 cơ sở hành nghề y, dược (hơn 9.000 cơ sở y và gần 11.000 cơ sở dược), trong đó có hơn 99% là cơ sở tư nhân. TP.HCM cũng có 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế do quận huyện, Sở KH-ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế.
Qua kiểm tra, xử phạt của Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nổi lên các vấn đề cảnh báo, thách thức đối với cơ quan quản lý. Đó là các spa, thẩm mỹ viện không thuộc lĩnh vực y tế đã "lấn sân" sang lĩnh vực y tế (do Sở Y tế cấp phép). Tiếp đến là vấn đề người hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép được ghi trong chứng chỉ hành nghề (giấy phép hành nghề). Ngoài ra còn có vấn đề cơ sở hành nghề cung ứng kỹ thuật các dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật được cấp phép, không đăng ký người hành nghề; Quảng cáo trái phép, sai sự thật; Cơ sở vi phạm, bị xử phạt hành chính liên tục thay đổi tên, địa chỉ…
Trước thực tế trên, Sở Y tế đã số hóa tất cả các cơ sở do mình cấp phép, quản lý thông qua "Cổng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh" và số hóa cơ sở dịch vụ làm đẹp bằng "Cổng tra cứu thông tin cơ sở dịch vụ làm đẹp". Lãnh đạo Sở Y tế nhận định đây là một giải pháp hữu hiệu giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin tìm nơi khám, chữa bệnh phù hợp (chuyên khoa, loại hình cơ sở, chất lượng cơ sở…) và phản ánh cơ sở không phép. Bên cạnh đó, giúp cán bộ, công chức Sở Y tế chủ động tra cứu thông tin có liên quan thuộc các phòng chức năng khác nhau thay vì "phiếu chuyển" để xin thông tin lẫn nhau, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đặc biệt đã giúp Sở Y tế chuyển từ thế bị động sang chủ động trong công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề y, dược.
Trước thực trạng cơ sở khám chữa bệnh chui, Sở Y tế TP.HCM sẽ có văn bản gửi UBND các quận, huyện đề nghị quan tâm, chỉ đạo sâu sát phòng y tế và chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở trên địa bàn sau khi Thanh tra Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sớm cho thực hiện dán biển đỏ cảnh báo người dân không đến, không sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ trái phép tại cơ sở đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động như Q.10 đã làm.
XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ ĐÀO TẠO CHUI
Nguyên nhân gốc rễ của khám chữa bệnh chui được Thanh tra Sở Y tế phân tích là do vấn đề đào tạo chui. Hiện có nhiều lớp dạy, đào tạo "bác sĩ tay ngang", đặc biệt là dạy tiêm chích meso, tiêm filler chỉ trong khoảng 1 - 2 ngày hoặc 1 tuần là hành nghề. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng cố ý không tuân thủ quy định. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế nhận định một số quy định pháp luật vẫn còn khoảng trống, đó là quảng cáo trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận, cấp phép, hậu kiểm, kiểm tra. Chế tài, xử phạt chưa đủ mạnh…
Từ tháng 5.2024, Sở Y tế và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ký kết quy chế hợp tác trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế, trong đó hợp tác dẹp các "lò" đào tạo "bác sĩ tay ngang". Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thực tế cần tăng cường quản lý vì đâu đó còn có sự nhập nhằng trong quản lý giữa Sở Y tế TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH về sức khỏe, sắc đẹp và phun xăm; có khoảng trống về kiểm tra, xử phạt. Theo ông, đào tạo trái phép là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề "nhân bản bác sĩ" hoặc hành nghề "lấn sân" sang lĩnh vực khám chữa bệnh, sức khỏe và lằn ranh này rất mong manh. Chẳng hạn như để xác lập hành vi và xử phạt liên quan đào tạo nghề trái phép thì Sở Y tế TP.HCM không có chức năng, trong khi thẩm quyền này thuộc về Sở LĐ-TB-XH…
Doanh nghiệp đặt tên "Công ty TNHH Bệnh viện"… dễ gây hiểu lầm
Một thực tế phổ biến là hiện nay nhiều cơ sở không phải là bệnh viện nhưng khi đặt tên công ty thì lại kèm theo chữ "bệnh viện", chẳng hạn như Công ty TNHH Bệnh viện… Điều này khiến người dân có thể hiểu lầm đó là "bệnh viện". Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Sở KH-ĐT xem xét việc cấp tên doanh nghiệp, vì hiện chưa có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp lấy tên "bệnh viện", dễ gây hiểu lầm cho khách hàng.
Bình luận (0)