Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: Chuộc người từ bên kia biên giới

29/06/2022 05:44 GMT+7

Ở bên kia biên giới, hiện có nhiều người Việt vẫn đang tìm cách chuộc người thân bị lừa bán qua Campuchia , cùng với đó là những chuyến xuất ngoại đầy ám ảnh của những người trong cuộc.

Ám ảnh chuộc người

Ngày 26.6, bà V.T.M.D (67 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng con trai lớn là anh N.C.Tr (46 tuổi, anh ruột nạn nhân) từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài (H.Bến Cầu, Tây Ninh) làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia để chuộc người. Nạn nhân là anh N.C.T (38 tuổi, con bà D.) bị lừa bán qua Campuchia, số tiền chuộc là 2.600 USD.

Tại khu vực cửa khẩu, không ít “cò” chuộc người chào mời, nhưng bà D. từ chối vì qua “cò” phí chuộc sẽ tăng thêm 20 triệu đồng. Ngay từ lúc đặt chân tới khu vực cửa khẩu, hành trình chuộc người đầy ám ảnh cũng bắt đầu với mẹ con bà.

Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: "Miếng phô mai miễn phí" trên cái bẫy

Ngay phía bên ngoài khu vực xuất cảnh, các nhóm “cò” ra sức chèo kéo làm thủ tục xuất ngoại. Những tiếng chào mời tranh nhau lớn tiếng của nhóm “cò” vây chặt 2 mẹ con bà D.: “35 đô (USD, khoảng 800.000 đồng - PV), bao qua tới Campuchia”, “Làm xong mới lấy tiền”…

Đến trưa, mẹ con bà D. đặt chân tới khu vực cửa khẩu Bavet, thuộc tỉnh Svay Rieng, nơi được mệnh danh là “thiên đường casino” ở Campuchia. Theo thông tin mà nạn nhân T. cung cấp, khu vực nạn nhân bị giam cầm đòi tiền chuộc, dân “cò” gọi là khu vực Kim Sa.

Để đi lại dễ dàng, anh Tr. được anh H. (người quen của gia đình bà D., sống lâu năm và kinh doanh tại Campuchia) giúp đỡ. Anh H. dẫn 2 mẹ con bà đến khu vực biệt lập cách cửa khẩu Bavet khoảng 2 km.

Bên ngoài khu vực dẫn vào tòa nhà sơn màu xanh, vàng gọi là Kim Sa luôn có 3 - 5 người túc trực gác cổng. Người ra vào khu vực này đều được kiểm soát chặt chẽ, chụp hình khuôn mặt lưu giữ đề phòng xảy ra chuyện bất trắc. Toàn bộ khu vực được xây tường kín, rào kẽm gai và canh gác cẩn mật nhiều lớp nên việc lọt khỏi khu vực này là rất khó. Anh H. cho biết, Kim Sa là khu “căng” nhất ở “thiên đường casino” này. Đây là khu vực mà người Việt được đưa thẳng vào để làm cho các trang mạng casino.

Khoảnh khắc anh N.C.T rời khỏi khu Kim Sa (ảnh nhỏ) và thoát khỏi bàn tay những kẻ buôn người

DƯƠNG PHAN

Anh H. thông tin: “Nếu như chuộc người ở khu Robot thì người nhà có thể thấy mặt nạn nhân rồi giao tiền, nhận người. Còn quy định ở khu Kim Sa là đưa người nhà nạn nhân vào rọ, tức gia đình phải chuyển tiền chuộc trước rồi công ty mới thả người. Nhanh thì thả người ngay sau khi nhận được tiền, chậm thì mất 2 - 3 ngày. Mà điều đáng lo nhất là nếu chuyển tiền xong bị lật kèo thì gia đình vừa mất tiền vừa mất cả người”.

Cẩn thận, anh H. gọi điện cho một người quen từng làm việc trong khu Kim Sa để dò hỏi. Người này khẳng định việc chuyển tiền qua trung gian vừa mất tiền vừa mất người đã xảy ra rất nhiều ở đây. Nhiều người dù đã được chuyển đủ tiền chuộc nhưng vẫn bị bán đi nơi khác. Tự trấn an mình, anh Tr. cố liên hệ nhiều lần qua điện thoại với người bên trong công ty xin được nói chuyện với người quản lý để xác nhận việc chuyển tiền sẽ nhận được người nhưng bất thành. Thông tin được nhắn ra cho anh Tr.: “Chắc giá 2.600 USD”.

Ngồi lặng người trước khu vực Kim Sa, bà D. rưng rưng: “Giờ mình trong rọ rồi, không chuyển thì chắc chắn họ không thả người”. Không khí căng thẳng bao trùm, nhưng tấm lòng bà mẹ thương con, bà D. vẫn chuyển gần 60 triệu đồng (tương đương 2.600 USD) cho công ty này, rồi hồi hộp chờ tin con.

Hơn 14 giờ, nạn nhân mặc chiếc áo sơ mi đen, quần jeans rách gối được đưa ra khỏi cổng sau khi công ty yêu cầu kiểm tra lại để xóa toàn bộ dữ liệu trong điện thoại. Đây cũng là bộ quần áo duy nhất anh mặc kể từ khi bị lừa bán sang Campuchia. Chính thức gặp mặt những người thân, lúc này T. mới dám tin đã thoát khỏi động mua bán người.

Khi con người bị định giá

Đáng nói, thời điểm này ở Campuchia có nhiều người nhà nạn nhân Việt Nam cũng tìm cách chuộc người thân trở về Việt Nam. Cảnh chuộc người diễn ra công khai, đau lòng hơn khi những nạn nhân trót bị lừa bán sang Campuchia được định giá từ 2.500 - 2.800 USD/người. Giá này tùy thuộc thời điểm nạn nhân được đưa sang Campuchia và có thể tăng từ 5.000 - 10.000 USD khi bị bán qua nhiều công ty. Nhiều người không có tiền chuộc phải cam chịu làm không lương để tồn tại, nhưng có nạn nhân không nghe theo sai bảo thì bị đánh đập, hành hạ dã man.

Cũng ở khu vực Kim Sa, thời điểm gia đình bà D. căng thẳng đi chuộc con với giá 2.600 USD thì anh M. (một Việt kiều đang sinh sống TP.Phnom Penh, Campuchia) nhiều ngày qua chầu chực để hỗ trợ cho một gia đình người thân sống ở miền Tây nhờ chuộc 2 nạn nhân. Anh M. cho biết, 2 đứa cháu anh bị lừa bán sang Campuchia và đưa vào khu Kim Sa nên gia đình cầu cứu. Giá chuộc 2 người là 5.000 USD.

“Thiên đường casino” hoạt động sôi động ngay cửa khẩu Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia

“Ban đầu tôi không cho gia đình chuyển tiền trước, dự định thấy người rồi mới giao tiền. Nhưng người bên trong này nhất quyết không đồng ý nên gia đình phải chuyển tổng cộng 110 triệu đồng qua tài khoản mang tên một người Việt Nam. Ở cái khu Kim Sa này, nếu đã vào thì chỉ có tiền mới mong cứu được, còn chuyện đòi thấy mặt trước mới chuyển thì vô vọng. Giờ nhiệm vụ của tôi là chặn ở cổng, đón bằng được người mới về”, anh M. hy vọng.

Nợ chồng nợ từ bẫy “việc nhẹ lương cao”

Dù sinh sống và làm việc ở Campuchia gần chục năm, nhưng anh L. (ngụ tỉnh Tây Ninh) hiện vẫn không thể tin sức hút của chiếc “bẫy” việc nhẹ lương cao ở Campuchia lại lớn đến thế với người Việt. Anh L. kể, chỉ mới tuần trước, cháu một người thân của anh vì sập bẫy lừa nên gia đình đã mang nợ tiền vay 62 triệu đồng (tương đương 2.700 USD) để đi Campuchia chuộc người. Đã vậy, gia đình lỡ nghe theo nhóm “cò” chuộc người nên mất thêm 20 triệu, tổng cộng 82 triệu đồng.

Giữa trưa 25.6, nắng gắt dội xuống, bên trong quán nước nhỏ xập xệ trước cổng khu Kim Sa, anh M. lộ vẻ mệt mỏi, vừa húp vội tô mì gói vừa không dám rời mắt khỏi cánh cổng. Cứ thấy chiếc ô tô nào ra đến cổng, anh M. lao ra trao đổi bằng tiếng bản địa với đội bảo vệ để tìm người. Anh M. lý giải, nếu không trực tiếp nhờ bảo vệ chặn xe, cho xem trước ảnh nạn nhân và màn hình đã chuyển khoản tiền chuộc thì nhiều khả năng nạn nhân dù đã chuyển đủ tiền cũng sẽ bị tuồn bán sang công ty khác.

Cuộc gọi cầu cứu của thiếu niên 15 tuổi bị lừa bán sang Campuchia

Trong những ngày này, nhiều phi vụ mua bán người diễn ra chóng vánh, chồng tiền mặt ngay tại cổng khu Kim Sa. Cũng tại đây, ô tô 4 - 7 chỗ đưa người ra vào tấp nập dưới cái nắng tháng 6 hầm hập. Chỉ về một nhóm 4 người cả nam lẫn nữ khoảng 16 - 18 tuổi vừa ra khỏi cổng rồi leo lên xe tuktuk đợi sẵn rời đi, anh M. nói: “Những người này được công ty nói chuyển sang công ty khác làm, nhưng thực chất là bị bán đi nơi khác”.

(còn tiếp)

Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia

Đổ nợ vì chuộc con

Nạn nhân kêu cứu ở đâu ?

'Địa ngục trần gian' ở xứ người

Nạn nhân bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen

"Miếng phô mai miễn phí" trên cái bẫy

'Cò' chuộc người vùng biên

PV Thanh Niên thâm nhập đường dây lừa bán lao động

Người dân nhiều tỉnh, thành kêu cứu

Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.