Công an xác minh thông tin nạn nhân bị tử vong nơi xứ người
Những ngày qua, gia đình ông T.V.T (47 tuổi, ngụ xã Quảng Long, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) đau đớn khi nhận tin con trai T.V.H (20 tuổi) bị lừa bán sang Campuchia và đã tử vong. Thông tin anh H. tử vong được một người bạn của H. báo về cho gia đình.
Công an H.Quảng Xương (Thanh Hóa) thu thập thông tin từ người thân nạn nhân T.V.H |
PHÚC NGƯ |
Ông T. cho biết đầu năm 2022, H. được một người bạn rủ sang Campuchia làm việc. Sau khi đến Campuchia, H. có gọi về báo cho gia đình là đã sang, nhưng không nói rõ làm việc gì. Sau đó mất liên lạc cho đến nay. “Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình tôi mới nhận được tin từ người bạn của H. là H. bị đánh đập và đã tử vong trong quá trình làm việc tại Campuchia. Người bạn của H. cũng nói là nếu muốn đưa H. về thì phải nộp tiền chuộc cho công ty bên Campuchia là 76 triệu đồng bằng cách gửi tiền vào tài khoản, và phải làm thủ tục qua Đại sứ quán VN tại Campuchia. Giờ gia đình tôi chẳng biết làm sao, chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng giúp gia đình thôi”, ông T. đau đớn kể.
Về vụ việc này, Công an xã Quảng Long cho biết gia đình ông T.V.T (bố anh T.V.H) không đến cơ quan công an báo về tình trạng của anh H., mà qua công tác quản lý địa bàn, công an xã nắm bắt được vụ việc nên đến nhà ông T.V.T và được gia đình trình báo về việc anh H. bị lừa bán sang Campuchia và đã tử vong. Sau khi nhận được thông tin, công an xã đã báo cáo sự việc lên cấp trên để phối hợp điều tra.
Anh H.T.H trình báo với Công an tỉnh Sóc Trăng việc mình bị lừa sang Campuchia |
C.T.V |
May mắn hơn anh H., anh T.T.D (19 tuổi, ngụ P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã về được nhà nhờ gia đình bỏ ra 140 triệu đồng để chuộc từ Campuchia về. Anh D. cho biết do quen với một người ở Nam Định và được rủ vào TP.HCM làm phục vụ quán karaoke. “Khi vào TP.HCM thì ông chủ quán hỏi có muốn đi làm ở Campuchia không, công việc chỉ làm bưng bê nước, dẫn khách vào casino mà lương 20 triệu đồng/tháng nên em đồng ý. Khi đến nơi, em mới biết mình bị lừa bán cho một casino với giá 2.700 USD, và phải ở lại làm việc để trừ nợ. Làm được 3 tháng, em lại bị bán tiếp cho một công ty khác với giá 4.600 USD. Công việc là ngồi máy tính, tư vấn đánh bạc cho khách, bị ép làm việc 2 - 3 giờ sáng mỗi ngày, nhưng lương không có, hỏi thì họ bảo trừ vào chi phí sinh hoạt và tiền môi giới. Chịu không nổi, em viện lý do người thân bị bệnh nặng xin về, họ đòi tiền chuộc, phải chuyển 140 triệu đồng mới được thả về ngày 7.6”, anh D. kể lại.
Lừa qua Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao' |
Bị cưỡng bức, xâm hại, ép lao động nhiều giờ
Ngày 19.6, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh vừa tiếp nhận tin trình báo của một nạn nhân là anh H.T.H (21 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng): Đầu tháng 5.2022, anh được người bạn tên T. (ngụ cùng địa phương) rủ đi Tây Ninh làm việc cho một công ty do T. tìm hiểu trên mạng xã hội. Đến Tây Ninh, T.H và T. được dạy các thao tác sử dụng máy vi tính với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng. Sau đó, cả hai được đưa lên xe lúc nửa đêm, khi tỉnh giấc mới biết bị lừa qua Campuchia. Tại đây, bọn chúng ép buộc thực hiện các hành vi lừa đảo trên mạng; nếu không chịu làm việc hoặc làm không đạt chỉ tiêu thì bị chích điện đến ngất xỉu. Để thoát cảnh “địa ngục trần gian” này, anh T.H tìm cách liên lạc với người thân chuyển hơn 80 triệu đồng cho bọn chúng, mới được chuộc về nhà...
Ngày 17.6, một lãnh đạo Công an TP.Long Xuyên (An Giang) xác nhận, đơn vị vừa nhận đơn trình báo của gia đình ông L.H.B (41 tuổi, ngụ P.Bình Đức, TP.Long Xuyên) về việc con trai ông là L.H.Q.C (17 tuổi) bị một người quen trên mạng xã hội lừa đưa sang Campuchia từ tháng 3.2022 đến nay chưa về.
Nạn nhân T.T.D kể lại thời gian bị lừa bán sang Campuchia |
PHÚC NGƯ |
Theo trình bày của ông B., do con ông làm việc 15 - 16 giờ/ngày quá khổ cực, anh C. bỏ trốn nhưng bị bắt lại và đánh đập, nhốt trong phòng, yêu cầu làm việc tiếp. Ngày 13.6, C. điện thoại về gia đình báo đang bị giữ tại Campuchia và yêu cầu gửi 500 triệu đồng mới được về nhà. Gia đình ông B. vay mượn, chuyển 160 triệu đồng cho bọn chúng, nhưng đến nay C. vẫn chưa được thả về. Theo lãnh đạo Công an TP.Long Xuyên, vụ việc đang được công an địa phương xác minh, nếu đúng là bị lừa qua Campuchia thì sẽ chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh An Giang làm rõ.
Cũng trong ngày 17.6, một lãnh đạo Công an H.Cái Nước (Cà Mau) cho biết đơn vị có tiếp nhận đơn cầu cứu của chị T.T.H (ngụ TT.Cái Nước, H.Cái Nước) về việc em trai chị là T.T.N (23 tuổi) bị lừa sang Campuchia làm việc cho đường dây cờ bạc, lừa đảo… Theo chị H., mới đây, N. gọi điện thoại về khóc, nói bị lừa sang Campuchia, giờ phải có tiền chuộc mới về được.
Ông Huỳnh Công Huấn, Giám đốc Sở Ngoại vụ An Giang, cho biết thời gian qua Sở Ngoại vụ và các ngành chức năng tỉnh An Giang đã phối hợp Đại sứ quán VN và Tổng lãnh sự quán VN tại Campuchia cùng phía bạn Campuchia để bảo hộ công dân, giải cứu nhiều nạn nhân của tội phạm buôn bán người do người VN môi giới.
Theo ông Huấn, đa số nạn nhân tường trình họ bị dụ dỗ, giới thiệu sang Campuchia làm việc trong các casino với mức lương từ 800 - 1.000 USD/người/tháng. Thế nhưng, khi đến nơi thì bị bán cho các đường dây buôn người, bị cưỡng bức, xâm hại, ép buộc lao động nhiều giờ trong các casino, điều hành các trang web cờ bạc, lừa gạt người khác qua mạng.
Trong số các nạn nhân của nạn mua bán người được giải cứu trước đây có trường hợp 11 người VN kêu cứu tại khu vực cửa khẩu Chrey Thom (tỉnh Kandal, Campuchia), giáp cửa khẩu Khánh Bình (An Giang).
Những người này bị môi giới của công ty ở Trung Quốc hứa đưa qua Campuchia làm công việc thu nhập ổn định, với thỏa thuận hợp đồng làm việc trong 6 tháng. Tin lời, những người này đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Campuchia làm việc, nhưng họ bị ép buộc ký hợp đồng làm việc đến 12 tháng, sau đó bị nhốt trong một casino và bắt phải làm việc hơn 12 tiếng/ngày.
Khi những người này không đồng ý làm việc thì bị đánh đập, chích điện, không cho giao tiếp với bên ngoài, hoặc bị tai nạn tử vong khi trốn chạy. Theo hợp đồng, muốn về VN, họ chỉ đền bù 2.200 USD, nhưng bên môi giới lại yêu cầu nạn nhân phải trả từ 10.000 - 12.000 USD. Nhờ được phát hiện và phối hợp giải cứu đã giúp các nạn nhân trở về VN đoàn tụ với gia đình. (còn tiếp)
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có 381 người xuất cảnh sang Campuchia. Trong đó, có 65 người bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, bị ép buộc thực hiện hành động vi phạm pháp luật... Tình trạng người dân bị dụ dỗ, lừa bán sang Campuchia thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, chỉ tính riêng từ tháng 4 đến đầu tháng 6, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 27 nạn nhân (trong số 65 người nêu trên) bị lôi kéo, lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến. Trong 27 nạn nhân, đã giải cứu được 19 người, 4 trường hợp gia đình phải nộp tiền chuộc theo yêu cầu của các đối tượng xấu và sau đó được thả về, còn 4 trường hợp đang bị khống chế, bị giữ tại Campuchia.
Bình luận (0)