Những ai cần tầm soát ung thư phổi?

15/03/2023 04:00 GMT+7

Mỗi năm VN ghi nhận 26.000 ca ung thư phổi. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90%.

Theo dữ liệu ung thư toàn cầu Globocan 2020, ung thư phổi là một trong 3 loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên toàn cầu.

Tại VN, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm ở cả 2 giới, sau ung thư gan. Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Những ai cần tầm soát ung thư phổi ? - Ảnh 1.

Người có nguy cơ cần chủ động tầm soát sàng lọc ung thư phổi để giúp việc điều trị được hiệu quả hơn

Shutterstock

Hiện với tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị, ung thư phổi có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn.

Về phát hiện sớm ung thư phổi, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chia sẻ: "Tại BV Bạch Mai, sự kết hợp đa chuyên khoa bao gồm các bác sĩ thuộc các chuyên ngành: y học hạt nhân, ung thư, sinh học phân tử, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật lồng ngực, hô hấp, đội ngũ chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, chúng tôi đã và đang áp dụng hiệu quả các phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh".

Hội nghị khoa học "Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi" được BV Bạch Mai tổ chức trong 2 ngày 9 - 10.3 tại Hà Nội, thu hút gần 1.000 đại biểu là các thầy thuốc, nhà nghiên cứu về ung thư, sinh học phân tử, y học hạt nhân… đến từ các tỉnh thành, các đơn vị y tế trong cả nước và quốc tế.

Các bài báo cáo khoa học tại hội nghị mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư phổi như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, sinh học phân tử. Hơn nữa, hội nghị cũng là nơi để các bác sĩ, các chuyên gia đầu ngành trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị ung thư phổi, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cũng như chất lượng sống cho người mắc ung thư phổi.

PGS-TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - BV Bạch Mai, chia sẻ: Nếu tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%. Việc chẩn đoán sớm ung thư phổi, đặc biệt chủ động tầm soát sàng lọc ung thư phổi giúp người bệnh được điều trị sớm, kéo dài thời gian sống với chất lượng sống tốt hơn.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các đối tượng cần thực hiện tầm soát hằng năm gồm: từ 50 - 80 tuổi, có sức khỏe tốt và hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc dưới 15 năm; hút thuốc trên 20 bao/năm.

Hiệp hội Lồng ngực Mỹ khuyến cáo sàng lọc ung thư phổi theo các nhóm nguy cơ: Nguy cơ cao: 55 - 77 tuổi, hút thuốc 30 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm. Có nguy cơ: 50 - 80 tuổi, hút thuốc lá 20 bao/năm, đang hút hoặc bỏ thuốc dưới 15 năm gợi ý chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp hằng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.