Những ai có nguy cơ cao bị cục máu đông, cách phòng ngừa?

16/08/2023 00:09 GMT+7

Chuyên gia huyết học, tiến sĩ Pohan Lukito, bác sĩ điều trị các bệnh về máu tại Trung tâm điều trị ung thư và huyết học Ballarat Cancer Care and Haematology (Úc), chia sẻ mối nguy hiểm hình thành cục máu đông khi đi xe đường dài.

Cục máu đông ở chân - gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, thường xảy ra ở tĩnh mạch hoặc động mạch, phổ biến nhất là ở chân, theo tờ Express.

Những ai có nguy cơ cao bị cục máu đông, cách phòng ngừa? - Ảnh 1.

Rủi ro hình thành cục máu đông khi đi xe đường dài

SHUTTERSTOCK

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị. Cục máu đông trong mạch máu có thể cản trở lưu lượng máu và gây tắc nghẽn trong các cơ quan.

Khi di chuyển đến phổi, nó gây tắc nghẽn động mạch phổi, gọi là thuyên tắc phổi. Khi đến tim, nó làm tắc nghẽn động mạch trong tim, gây huyết khối mạch vành, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hậu quả là có thể gây chết người, theo Yale Medicine.

Tiến sĩ Michael Remetz, bác sĩ tim mạch tại Trường Y Yale Medicine (Mỹ), cho hay: Những bệnh nhân nghi ngờ bị huyết khối cần được đánh giá rất nhanh. Nếu phần lớn của tim bị ảnh hưởng, tim sẽ bị tổn thương vĩnh viễn hoặc có thể gây tử vong.

Tiến sĩ Remetz lưu ý: Đối với cục máu đông ở tim, 2 giờ đầu tiên là tim bị tổn thương nhiều nhất.

Tại sao đi xe đường dài dễ gặp tình trạng này?

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân thực sự là do tư thế ngồi, chỗ ngồi chật hẹp và tư thế bất động trong thời gian dài đã chèn ép các mạch máu và dẫn đến tụ máu trong các tĩnh mạch ở chân. 

Nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy ngồi trên máy bay lâu hơn 8 tiếng làm tăng nguy cơ mắc cục máu đông. Tuy nhiên, rủi ro này cũng có thể xảy ra khi đi xe đường dài, theo Express.

Những ai có nguy cơ cao hình thành cục máu đông?

Theo bác sĩ Pohan, nguy cơ hình thành cục máu đông khi đi đường dài, hơn 6 giờ - bằng xe, máy bay hoặc tàu hỏa - là thấp.

Tuy nhiên, nguy cơ này có thể tăng lên ở người có các yếu tố nguy cơ cao, như lớn tuổi, béo phì, hút thuốc, mới phẫu thuật hoặc nằm bất động, uống thuốc tránh thai, bệnh nhân ung thư, tiền sử gia đình hoặc bản thân từng mắc bệnh này.

Các triệu chứng của huyết khối là gì?

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch (thường xuất hiện ở chân) bao gồm: sưng, đau, nóng, tấy đỏ hoặc xanh tím và chuột rút chân.

Các triệu chứng của thuyên tắc phổi (cục máu đông di chuyển vào phổi) bao gồm khó thở, đau ngực và ho, theo Yale Medicine.

Các triệu chứng của huyết khối mạch vành (cục máu đông hình thành trong tim) bao gồm đau dữ dội ở ngực và cánh tay, đổ mồ hôi và khó thở.

Kẻ giết người thầm lặng có thể tấn công tài xế và hành khách đường dài - Ảnh 2.

Để giảm thiểu rủi ro, uống đủ nước, mang vớ nén, thường xuyên vận động cổ chân hoặc mát xa bắp chân, dừng xe cứ sau vài giờ để duỗi chân

SHUTTERSTOCK

Nên làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Để giảm thiểu rủi ro, có một số khuyến nghị như sau:

Trước chuyến đi: Nên ngưng hút thuốc và hạn chế đồ ăn nhanh. Người có bệnh nên uống thuốc loãng máu liều thấp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong chuyến đi: Uống đủ nước, mang vớ nén, thường xuyên vận động cổ chân hoặc mát xa bắp chân. Dừng xe cứ sau vài giờ để duỗi chân.

Cảnh giác với các triệu chứng của cục máu đông ở chân hoặc phổi, như sưng, khó chịu ở bắp chân, khó thở hoặc đau ngực bất thường.

Khi kết thúc chuyến đi: Vận động nhiều và vẫn để ý các triệu chứng của cục máu đông, vì tình trạng này vẫn có thể phát triển trong 2-4 tuần sau chuyến đi dài, theo Ballarat Cancer Care.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.