Trong 100 gram dưa hấu có 112 mg kali, 8 mg vitamin C, 10 mg magiê và 0,4 gam chất xơ.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Nutrients phát hiện những người ăn thường xuyên dưa hấu thì chế độ ăn uống của họ có xu hướng lành mạnh hơn so với những người ít ăn dưa hấu, theo chuyên trang Eating Well (Mỹ).
Dù vừa ngon vừa bổ dưỡng nhưng một số người cần hạn chế, thậm chí không ăn dưa hấu. Một số khuyến cáo sức khỏe khuyến nghị những người mắc hội chứng ruột kích thích tốt nhất là không nên ăn dưa hấu.
Hội chứng ruột kích thích là loại bệnh tiêu hóa với các triệu chứng như đau dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón. Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên chuyên san Medical Hypotheses cho rằng hội chứng ruột kích thích có liên quan đến tình trạng kém hấp thụ đường fructose. Đây là loại đường tự nhiên có nhiều trong mật ong và các loại trái cây.
Khả năng hấp thụ fructose của mỗi người là khác nhau. Một số người có thể hấp thụ được tới 30 gram fructose trong khi những người khác chỉ có thể hấp thụ tối đa 5 gram. Dưa hấu có nhiều đường tự nhiên fructose. Những người mắc hội chứng ruột kích thích không thể hấp thụ loại đường này. Nếu ăn dưa hấu thì triệu chứng của họ thể nặng hơn.
Không chỉ dưa hấu mà một số loại trái cây như xoài, táo cũng có hàm lượng đường fructose cao. Một số sản phẩm như si rô trái cây, nước ép trái cây cũng có thể chứa lượng lớn fructose và kích hoạt triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Ngoài hội chứng ruột kích thích thì bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng cũng được khuyến cáo nên cẩn trọng khi ăn dưa hấu. Ngoài ra, người mắc các bệnh này cũng cần tránh các món nhiều a xít béo omega-3 như cá, hạt lanh.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể ăn dưa hấu nhưng không nên ăn quá nhiều. Vì trong dưa hấu rất giàu chất lycopene. Với người bị trào ngược, lycopene có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu như co thắt dạ dày, ợ nóng và khiến trào ngược thêm khó chịu, theo Eating Well.
Bình luận (0)