Từ những bà mẹ truyền thống
Hầu hết các vở kịch đều nói về hình tượng người mẹ Việt Nam truyền thống giàu lòng hy sinh, chịu đựng. Dù khó khăn, nghiệt ngã đến mấy, nhiều bà mẹ vẫn là trụ cột cho cả gia đình nương vào.
Như nhân vật bà mẹ trong vở Diều ơi mới đây của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (Sân khấu 5B), vừa làm mẹ vừa làm bà ngoại để nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con gái điên vì bị phụ tình và đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn. Một mình bà buôn gánh bán bưng vừa chống đỡ gia đình, vừa bảo vệ con những khi bị người ta hiếp đáp; rồi sức cùng lực kiệt, bà tựa vào vai người bạn hàng xóm trút hơi thở cuối cùng. NSƯT Quỳnh Hương diễn xuất sắc, với vóc dáng gầy gầy gợi nhớ hình ảnh những bà ngoại, bà mẹ trong ký ức khán giả, khiến người xem khóc như mưa.
Như hình ảnh người mẹ cắn răng cam chịu câu “tam tòng tứ đức”, không dám cãi lời chồng và âm thầm ôm nỗi đau riêng mình. Nghệ sĩ Ái Như hóa thân thành nhân vật bà mẹ của cô Hương (Hồng Ánh đóng) trong vở Nửa đời hương phấn (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) đứt ruột nhìn con gái bị cha đuổi đi vì Hương làm cái nghề xấu xa trong mắt người đời. Bà biết con hy sinh cho gia đình, thương và bất chấp con làm nghề gì, rồi đau đớn chờ tin con trong vô vọng. Vì vậy khi gặp lại Hương, bà thất thần, ngất xỉu. Rồi bà ngồi gội tóc cho con như gột rửa bao nhiêu oan khiên mà con đã chịu. Những làn nước sạch chảy theo lời bà thủ thỉ, chính là lớp diễn hay nhất của Ái Như và Hồng Ánh, khiến khán giả nghẹn ngào.
|
Người mẹ Việt Nam còn giàu lòng vị tha, thương con đến tận cùng trái tim, dù con có ngỗ nghịch hay bất hiếu. Vở Mẹ yêu mà Sân khấu Kịch Sài Gòn công diễn cách đây mười mấy năm với kỷ lục đến gần trăm suất, sau này diễn viên Gia Bảo dựng lại và đổi tựa là Lũ quỷ sống, còn Việt Hương thì dựng thành phim. Trong Mẹ yêu, nghệ sĩ Hồng Nga đóng vai bà mẹ có 4 đứa con thành đạt nhưng lại đùn đẩy nhau bổn phận nuôi mẹ, cuối cùng phân công mỗi đứa nuôi một tháng, và đều dùng những thủ đoạn để làm mẹ tăng cân giả tạo. Bà mẹ hiểu hết, nhưng không giận hay ghét con mình mà chỉ dùng những lời nói ngọt ngào, sâu sắc giáo dục con. Nghệ sĩ Hồng Nga đã làm khán giả rơi nước mắt vì bà diễn bi quá hay, giọng nói như đứt ruột đứt gan.
Đến những bà mẹ khác thường
|
Sân khấu còn có những hình ảnh bà mẹ không giống truyền thống, mà có những hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra tính cách đặc biệt. Như bà mẹ trong vở Mẹ và người tình của Sân khấu Phú Nhuận (từng đoạt huy chương vàng Liên hoan kịch toàn quốc 2009, vừa được dựng lại vào năm ngoái) do NSND Hồng Vân thủ vai. Bà đã mạnh mẽ nuôi dạy đàn con trong cảnh góa bụa và cũng mạnh mẽ đi tìm tình yêu của mình khi tuổi đời đã 60. Bà biết sống cho bản thân, không sợ áp lực của dư luận và con cái. Nhưng bà đã vấp phải âm mưu chia cắt dữ dội của đàn con, bởi bà cũng từng áp đặt con cái không cho chúng sống thật với bản thân.
Một bà mẹ khác - trong vở Ngôi nhà không có đàn ông (từng diễn ăn khách tại Sân khấu 5B, giờ được Sân khấu IDECAF dựng lại cũng thuộc hàng “cháy” vé), chỉ vì bị phụ tình mà sinh ra hận đời, cấm tất cả em út, con cái trong nhà nghĩ tới chuyện yêu đương. NSND Kim Xuân đã xuất sắc khi thể hiện tính cách độc đoán, lạnh lùng của nhân vật bà mẹ này, nhưng ẩn phía sau vẫn là tình thương sâu sắc, là tính dịu dàng của người phụ nữ. Nhìn cách bà cưng nựng đứa cháu ngoại bất đắc dĩ, mới thấy bà lộ hết nỗi niềm sau khi hận thù lắng xuống...
Tôi rất thích diễn những vở làm cho khán giả nhận ra tình mẫu tử là thiêng liêng, biết thương mẹ cha. Còn các bậc cha mẹ cũng cần phải nhìn lại mình để biết cách thương con. Thương mà làm chúng sợ, xa rời mình thì không nên. NSND Kim Xuân
|
Bình luận (0)