Những bài học thực thi nghị quyết

17/01/2023 04:06 GMT+7

Trong dòng chảy lịch sử phát triển của TP.HCM, giai đoạn từ năm 1982 - 2022, Bộ Chính trị đã có 4 lần ban hành nghị quyết về TP.HCM (Nghị quyết 01-NQ/TW năm 1982, Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2002; Nghị quyết 16-NQ/TW năm 2012; và cuối năm vừa qua là Nghị quyết 31-NQ/TW). Như vậy, từ năm 2002, cứ 10 năm thì có một cuộc tổng rà soát và định hướng chiến lược cập nhật cho TP.HCM.

Mỗi nghị quyết (NQ) ra đời đều có giá trị và phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử của từng thời kỳ. Như NQ 01 thể hiện quá trình đổi mới tư duy trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, đến hình thành các chương trình trọng điểm về chỉnh trang đô thị tập trung vào giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch bị ô nhiễm.

NQ 20 định hướng TP.HCM từng bước trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ của khu vực Đông Nam Á đến đề ra và triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị kết nối như đại lộ Đông Tây, các cây cầu kết nối với bán đảo Thủ Thiêm, hay điều chỉnh quy hoạch TP đến năm 2025 theo mô hình TP đa trung tâm. NQ 16 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của TP.HCM như một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

Đặt trong từng bối cảnh của mỗi giai đoạn 10 năm đó mới thấy rõ (và công bằng) những điểm được và chưa được trong cách triển khai các NQ này. Nhưng rõ ràng, qua 4 thập niên với 4 NQ mang tính dẫn đường, quá trình triển khai, thực thi và hoàn công trong thực tiễn đã để lại nhiều bài học giá trị ở 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất là cách ứng xử của nhà nước đối với thị trường, đặc biệt là nền kinh tế thị trường ở TP.HCM và khu vực phía nam đã hình thành trước đó từ trong quá khứ.

Thứ hai là quan hệ giữa TP và T.Ư trong các lĩnh vực quản trị nhà nước, qua việc giải bài toán phân cấp - phân quyền.

Thứ ba là vai trò, vị trí của TP.HCM trong vùng Nam bộ, đặc biệt là phân vai trong việc liên kết để sản xuất, thúc đẩy kinh tế.

Thứ tư là bài toán phân bổ và sắp xếp nguồn lực cho phát triển các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia tại TP nói riêng, và các dự án kết nối với khu vực các tỉnh xung quanh nói chung.

Và cuối cùng là việc thí điểm các mô hình mới.

Xuyên suốt trong 5 nhóm vấn đề trên, có thể thấy việc minh định một công thức hay lời giải rõ ràng cho từng nội dung có tính cốt lõi (lẫn những phát sinh, dự báo) sẽ tạo nên thành công nhất định trong việc hiện thực hóa các nội dung NQ. Ngược lại, những hạn chế hay thất bại đa phần nằm ở việc xử lý không khéo các vấn đề đặt ra ở trên hoặc chưa minh định được công thức, cách làm khiến cho mọi việc rơi vào sự nhập nhằng, thiếu trọng tâm, tính thực thi không cao.

Triển khai thực hiện NQ 31 lần này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Việc tổ chức thực hiện NQ 31 không chỉ của riêng TP mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành, các địa phương trong cả nước, nhất là các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng ĐBSCL, nam Trung bộ và Tây nguyên”. Rõ ràng, tổ chức triển khai NQ, xây dựng chương trình hành động sát thực tế, tập trung tính hiệu quả trong thực thi, có sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về thời gian và giới hạn các vấn đề xử lý, là những điểm mới và trọng tâm, là tiền đề đảm bảo NQ sớm đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.