Ngày 16.1, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nêu rõ sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tháng 5.1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, “đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao”, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, “kéo dài gần 5 năm, với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật, với 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán”.
Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22.1.1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế Kléber (Paris, Pháp), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27.1.1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.
Ông Thắng nhấn mạnh Hiệp định Paris là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với những điều khoản quan trọng. “Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Paris ngày 27.1.1973 |
TƯ LIỆU |
Vẫn vẹn nguyên giá trị
Nhấn mạnh nửa thế kỷ đã trôi qua, song Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá, ông Thắng khẳng định đó là bài học sức mạnh tổng hợp chính trị - kinh tế, quốc phòng - an ninh và ngoại giao để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, lấy thắng lợi quân sự và chính trị là cơ sở để tiến công ngoại giao, đoàn kết quốc tế, cô lập kẻ thù.
Theo ông Thắng, trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của bối cảnh quốc tế hiện nay, cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động ngoại giao với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước; kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Ông Thắng cũng khẳng định bài học từ Hiệp định Paris còn là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ.
Đó là bài học về quán triệt sâu sắc tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Thắng phân tích: “Dĩ bất biến” là kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc về giữ vững độc lập tự chủ; tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ cùng quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam... “Ứng vạn biến” là tích cực, linh hoạt, chủ động, khôn khéo trong lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh ngoại giao, trong nhân nhượng về những vấn đề thứ yếu, biết giành thắng lợi từng bước trong đàm phán tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đặc biệt nhấn mạnh bài học về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Càng trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, càng cần tăng cường và giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại và hoạt động ngoại giao để thực hiện thành công, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại...
Bài học về độc lập, tự chủ
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì khái quát những bài học quý giá từ Hiệp định Paris bằng 4 chữ “K”: “kết hợp”, “kiên quyết”, “kiên trì” và “khôn khéo”. Ông Khoan phân tích cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris không chỉ diễn ra trên bàn đàm phán mà còn được tiến hành hết sức sôi động trên phạm vi toàn cầu nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, bài học kết hợp còn được thể hiện trong chủ trương tiến hành đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao. Trong đó, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu tạo tiền đề cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. “Không có cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thì Mỹ cũng chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán 4 bên; không có chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không mùa đông năm 1972 thì Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục ngoan cố lật lọng dự thảo Hiệp định Paris đã đạt được trên bàn đàm phán”, ông Khoan nêu.
Nguồn: Bộ Ngoại giao |
Đồ họa: phúc hải |
Bài học về sự “kiên quyết”, theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, chính là sự kiên định bảo vệ quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; quyết đòi quân đội Mỹ rút hết về nước, đồng thời kiên quyết bác bỏ đòi hỏi vô lý về việc miền Bắc phải rút quân khỏi bộ phận máu thịt của chính đất nước mình. Cuộc hòa đàm Paris còn là bài học về sự kiên trì.
GS-TS, Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh ngoài bài học về sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và thời đại, giữa các mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao thì bài học ông cho là “lớn nhất” từ Hiệp định Paris là “độc lập, tự chủ” và “đoàn kết quốc tế”. Theo ông Huân, rút kinh nghiệm từ Hội nghị Geneve năm 1954, tại Hội nghị Paris, Việt Nam đã tự hoạch đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; tự xây dựng chiến lược, sách lược ngoại giao đúng đắn. “Các ý kiến của các đảng anh em, các nước XHCN anh em như Liên Xô, Trung Quốc chúng ta tham khảo nhưng chúng ta quyết định tự đàm phán với Mỹ về các vấn đề liên quan tới Việt Nam”, ông Huân nói. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xử lý rất tốt, rất linh hoạt mối quan hệ với cả Liên Xô, Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ cũng muốn “lợi dụng” cả Liên Xô và Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Việt Nam. “Bài học độc lập, tự chủ, đoàn kết quốc tế là bài học căn cốt nhất của ngoại giao Việt Nam ngay cả trong bối cảnh hiện nay. Không có độc lập, tự chủ sẽ không có cái gì cả, sẽ là lệ thuộc, sẽ bị người ta chi phối”, ông Huân nhấn mạnh.
Trưng bày “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.1.1973 - 27.1.2023), Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” từ 16.1 đến đầu tháng 5 tới.
Trưng bày gồm hơn 250 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết, chia làm 3 phần.
TƯ LIỆU BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH |
Phần 1: Vạch đường tới hòa bình. Phần này kể câu chuyện đế quốc Mỹ từng bước can thiệp sâu vào Việt Nam và tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền nam Việt Nam. Trước tình hình đó, cả nước Việt Nam đã kiên cường kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán.
Phần 2: Mở cánh cửa hòa bình. Trong phần này, có các tư liệu cho thấy Hội nghị Paris trở thành sự kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới, với những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt và gay cấn kéo dài.
Phần 3: Tiến tới hòa bình. Phần này cho thấy sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - Ngụy vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định, đẩy mạnh bình định lấn chiếm, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”. Đáp lại, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trưng bày có những hiện vật chưa từng được đưa ra. Chẳng hạn, chiếc thẻ tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam của bà Vũ Thị Đạt (ảnh, 1923 - 2021), từng là nữ sinh Đồng Khánh xung phong lên chiến khu Việt Bắc tham gia cách mạng. Năm 1968, bà là một trong 37 thành viên đầu tiên của Đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam.
Trinh Nguyễn
Phát huy sức mạnh tổng hợp trong và ngoài nước
Thành công của đàm phán ký kết Hiệp định Paris, trong đó có thành công của công tác tuyên truyền trong nước và đối ngoại đã để lại cho chúng ta những bài học rất quan trọng. Đó là phải kiên định mục tiêu, quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, tuyệt đối trung thành với nguyên tắc của Đảng, đồng thời phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Gia Hân |
Thứ hai là bám sát đường lối của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước để toàn dân tộc đồng lòng, quyết tâm, sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh chính nghĩa vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ ba là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, bao gồm là cả lực lượng trong nước, ngoài nước.
Thứ tư là phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại, góp phần hình thành mặt trận nhân dân ủng hộ Việt Nam với quy mô quốc tế rộng lớn gồm các tầng lớp, hình thức đa dạng, linh hoạt và thiết thực.
Ông Lê Hải Bình (Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư)
Đối ngoại nhân dân mang lại kết quả quan trọng
Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị Paris, đoàn đàm phán của ta đặc biệt chú trọng khai thác kênh đối ngoại nhân dân, tổ chức hàng ngàn cuộc họp báo, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn để thông tin tới dư luận, làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của ta và bác bỏ những thông tin xuyên tạc.
Bộ Ngoại giao |
Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam đã mang lại những kết quả rất quan trọng. Các phong trào và tổ chức đoàn kết ủng hộ Việt Nam ra đời tại nhiều nước và lan rộng trên toàn thế giới. Với những hoạt động rất phong phú lôi cuốn hàng triệu người tham gia, phong trào đoàn kết, ủng hộ Việt Nam đã tạo thành sức mạnh to lớn, tác động mạnh mẽ đến chính sách của nhiều chính phủ trên thế giới.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga (Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam)
Bình luận (0)