Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 11: 'Hương tóc mạ non' và gia tài một nhạc sĩ

06/06/2015 06:50 GMT+7

Nhạc sĩ Thanh Sơn có rất nhiều bài tân nhạc được khán giả thuộc nằm lòng và một số bài đã được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thành vọng cổ với lời lẽ thật đẹp.

Nhạc sĩ Thanh Sơn có rất nhiều bài tân nhạc được khán giả thuộc nằm lòng và một số bài đã được tác giả Hoàng Song Việt chuyển thành vọng cổ với lời lẽ thật đẹp.

Hoàng Song Việt là cây bút tiếng tăm trong giới cải lương, không chỉ vì anh viết được những kịch bản hay, mà còn vì khả năng chuyển thể ngọt ngào. Một vở kịch khi chuyển thể sang cải lương cần có người đồng cảm cao độ thì mới chắp bút được.
Và cái khó nữa là lời thoại trong kịch thì ngắn gọn, trong khi cải lương phải có bài ca dài dòng, thì làm sao vừa giữ được ý của vở kịch, thậm chí giữ được kịch tính, mà lại vừa tải được chất ngọt ngào của cải lương, bảo đảm khả năng cho nghệ sĩ trổ tài ca hát. Hoàng Song Việt là người vượt qua cửa ải đó một cách điêu luyện, chưa kể còn bật lên được ngôn ngữ đầy chất văn học.
Với tân cổ cũng vậy, Hoàng Song Việt viết lời rất đẹp khiến nhạc sĩ nhẹ lòng khi giao tác phẩm của mình vào tay anh. Nhạc sĩ Thanh Sơn hồi còn sống đã từng công tác chung với Hoàng Song Việt tại Trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Ông phụ trách biên tập mảng tân nhạc, Hoàng Song Việt phụ trách biên tập mảng cải lương. Hai người thường trao đổi qua lại để bổ sung cho chương trình của mình. Thế là thân nhau. Hoàng Song Việt nhớ lại: “Nhạc sĩ Thanh Sơn hiền lắm, ông có tấm lòng với mọi người, ai cũng quý mến ông. Khi sức khỏe yếu đi, ông thôi làm ở Rạng Đông, còn tôi cũng bận nhiều việc ở Nhà hát Trần Hữu Trang nên cũng nghỉ làm. Nhưng ông đã đem những bài tân nhạc ưa thích đưa cho tôi, bảo tôi viết thành cổ nhạc, vì ông tin cậy tôi viết sẽ hợp ý ông. Tôi đã viết cả chục bài như Hương tóc mạ non, Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hoa tím ngày xưa, Hồn quê... Mừng là ông vẫn còn kịp trông thấy đứa con của mình được thu âm, phát sóng. Hai chú cháu hay hẹn nhau uống cà phê, tôi gửi tiền tác quyền cho ông. Ông vui lắm”. Nhạc sĩ Thanh Sơn mới mất mấy năm nay, ông đã hưởng hạnh phúc khi biết nhạc của mình được hát rộng rãi trên cả “kênh” tân nhạc lẫn cổ nhạc.
Bài Hương tóc mạ non đã được thu âm 2 lần với Vân Hà - Lương Tuấn và NSƯT Kim Tử Long - NSƯT Phượng Hằng, toàn là những giọng ca nổi tiếng. Phượng Hằng và Châu Thanh là một trong những người tiên phong trong xu hướng ca vọng cổ hơi dài. Chị có giọng ca trong vắt và có thể ca 100 từ liên tiếp, được nhiều khán giả yêu thích. Với bài Hương tóc mạ non, tác giả Hoàng Song Việt viết câu ngắn hơn, ít từ, cho nên Phượng Hằng không thi thố được “tuyệt kỹ” của mình, nhưng chị vẫn biết cách làm cho hơi ca dài ra, nối các câu lại với nhau khiến bài hát tươi tắn vô cùng. Biết về đâu mái tóc thơm hương mạ non ngày cũ lối nhỏ đường xưa chiều nghiêng nghiêng nắng đổ soi bóng dòng sông gợi nhớ thương... về. Em có buồn không khi đã lỡ câu thề. Dù ngăn cách nhưng lòng em vẫn nhớ, kỷ niệm ban đầu hai đứa quen nhau. Xa quê hương lòng ai không hoài cảm, bến nước tình yêu dào dạt phù sa. Còn nữa đâu anh ngày xưa yêu dấu, khi thời gian đã điểm trắng mái đầu…
NSƯT Phượng Hằng nói: “Tôi chọn bài này vì ngôn ngữ rất hay. Nếu không đúng sở trường hơi dài của mình thì mình tìm cách khác, chứ không bỏ qua. Tác giả viết rất công phu, người hát sẽ có thuận lợi hơn. Trời thương, bây giờ tôi vẫn còn đủ sức khỏe, đủ hơi để trung thành với trường phái của mình”.
Bước vào Chuông vàng vọng cổ
Kỳ thi Chuông vàng vọng cổ 2010, thí sinh Đặng Thị Mỹ Vân đã chọn bài này để dự thi với sự cộng tác của Võ Thành Phê (từng đoạt giải nhất Chuông vàng vọng cổ 2008) và giành giải ba. Nhưng từ đó, bài Hương tóc mạ non lại được khán giả yêu thích nhiều hơn bởi giọng ca Võ Thành Phê.
Những ca từ dễ thương của Hoàng Song Việt được Võ Thành Phê ngân nga như mây bay giữa trời quê lộng gió... Sương khói thời gian có thể làm cho mờ phai hai mái đầu xanh bạc màu vì năm tháng. Nhưng kỷ niệm ngày xanh dẫu mưa dày nắng dạn vẫn còn đọng mãi dư hương cho đến tận bây... giờ. Hương tóc người thương vẫn sâu nặng trong lòng.
Dưới rặng dừa xanh ngày nào anh đã nói: tóc em thơm nồng mùi hương của mạ non. Văng vẳng đưa về tiếng ai hát ru con. Nhịp võng đong đưa kẽo kẹt giữa trưa hè. Em ngửa mặt nhìn mây nước chập chùng xa, mà ước mà mơ một ngày vui hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.