Những ban nhạc sinh viên Sài Gòn ngày ấy...

07/01/2018 08:01 GMT+7

"Chúng tôi ngóng chờ đến cuối tuần để tới Nhà văn hóa Thanh niên xem các ban nhạc sinh viên hát trong chương trình Đêm Trẻ, mà phải đến sớm, kẻo phải trèo lên nóc nhà".

Chị Bích Trâm (42 tuổi), tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM,  nói như reo lên khi nhắc về thời sinh viên của mình.
Đó là những năm thập niên 90 thế kỷ trước, khi phong trào nhạc trẻ bùng nổ ở Sài Gòn với nhiều ban nhạc sinh viên, nhạc rock. Ngày đó học sinh, sinh viên ở Sài Gòn không ít người biết đến những ban nhạc như: Little Wings, A Couple, Black Eyes, Number Two, Kiến Xanh…
Một thời leo cột đèn xem nhạc trẻ
Anh Việt Cường, một khán giả trung thành của Đêm Trẻ, nhớ lại: “Tôi nhớ những đêm ở sân A4 Nhà văn hóa Thanh niên đông nghịt, tầm khoảng 4.000 người. Những người không có vé phải trèo tường, thậm chí leo cả cột điện, cột đèn. Những ban nhạc thời đó như Da Vàng (các thành viên là Đạt cận, nhạc sĩ Lê Quang), Đen Trắng, Ba Con Mèo (chị em nhà Phương Uyên), Thiên Thanh (Cam Thơ), Sago Metal... giống như biểu tượng của bọn nhóc choai choai hay lứa sinh viên mới lớn chúng tôi ngày đó”.
Anh Việt Cường có nhắc đến cuộc thi âm nhạc sinh viên mang tên Unplugged (cuộc thi sáng tác và hát tiếng Anh do Khoa Ngoại ngữ ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức) năm nào cũng đông nghẹt người, từ vòng loại ở Nhà hát Bến Thành tới vòng chung kết ở Nhà hát Hòa Bình. Năm 1997, Little Wings, ban nhạc của những sinh viên ĐH Luật gồm Hồ Quang Hưng, Quang Minh và anh Thanh Sơn (giờ là đạo diễn có tiếng, mới nhất có phim Em chưa 18 giành giải Bông sen vàng) giành giải nhất. Trong khi đó, A Couple, Black Eyes cũng gây tiếng vang dữ dội trong giới sinh viên.
Anh Trường Giang, hiện đang công tác ở Hà Nội, kể về đêm chung kết năm 1997: “Không còn vé để mua, người ta đánh nhau với cả bảo vệ để vào. Vừa tuyên bố Little Wings vô địch, 2.300 khán giả đã đồng loạt đứng dậy và vỗ tay không ngớt, còn các chàng trai từng thể hiện ca khúc Không đầu hàng ôm chầm lấy nhau sung sướng.
Còn với anh Thái Sơn, 41 tuổi, cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, bây giờ mỗi khi đi qua Nhà văn hóa Thanh niên anh đều thấy bồi hồi: “Năm 1996, một buổi tam ca Ba Con Mèo hát Sài Gòn cô tiên năm 2000, cả ngàn sinh viên quậy tưng bừng. Bất ngờ, ở phía dưới sân khấu, một khán giả nước ngoài ăn mặc “bụi bặm” xung phong lên chơi guitar, ông chơi bài Hotel California, bản hit của nhóm Eagles (Mỹ), chúng tôi không hề biết xung quanh là gì nữa, tất cả quay cuồng trong âm nhạc”.
Còn ai nhớ Kiến Xanh ?
Trong một quán cà phê khá tĩnh lặng ở Q.3, kiến trúc sư (KTS) Hà Anh Tuấn cầm chiếc muỗng, hớt bọt kem trên ly nước đưa lên miệng, đủng đỉnh cười: “Cũng gần 20 năm nay chúng tôi không liên lạc gì với nhau rồi, mỗi người mỗi ngả, giờ đôi khi nghĩ sao mình không họp nhóm nhỉ”.
Đó là Hà Anh Tuấn, tay chơi bass kiêm sáng tác ca khúc cho Kiến Xanh năm xưa. KTS Hà Anh Tuấn chưa bao giờ quên những tháng ngày anh và các thành viên đều là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chơi nhạc và hát Cánh diều tuổi thơ, Stay... trên nhiều sân khấu: “Chúng tôi lập ban nhạc năm 1991, những năm 1996 -1999 là đỉnh cao với những buổi biểu diễn được cả ngàn khán giả đứng lên vỗ tay, hò reo cùng. Ngày đó ban nhạc có nhà thiết kế Lê Sỹ Hoàng tư vấn trang phục, các thành viên mặc sơ mi, khoác ngoài áo gi lê trông rất lịch sự”.
Chị Phạm Thùy Chi, 46 tuổi, một Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ, đôi mắt rực sáng khi chúng tôi nhắc đến hai từ Kiến Xanh: “Tuổi trẻ của tôi sống cùng Kiến Xanh và nhiều ban nhạc trẻ khác. Nói không ngoa, các anh ấy đi đâu chúng tôi theo đó, mưa gió cũng đi. Khi là Nhà hát Hòa Bình, khi là Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1). Không hẳn vì các anh đẹp trai, mà vì nghe nhạc đã thấy khí chất”.
Kiến Xanh, những chàng trai thế hệ 7X, ghi dấu ấn với nhiều chương trình ca nhạc sinh viên trong các trường ĐH, cả các live show âm nhạc trên truyền hình đã có những khán giả trung thành, tâm huyết như Thùy Chi và rất nhiều người nữa. Về sau này, năm 1998, ban còn kết nạp thêm một giọng ca nữ là sinh viên Nhạc viện TP.HCM, tên Bùi Triệu Yên. Năm 2000, họ đứng chung sân khấu với nhau cùng hát bài Goodbye của nhóm Air Supply (Úc), có ai ngờ đó cũng là định mệnh, khi sau đó nhóm vẫy tay chào nhau, mỗi người chọn một con đường đi, khác biệt.
Một thời đã xa
Đỉnh cao của những ban nhạc trẻ ở Sài Gòn đều dừng lại đầu những năm 2000. Một nhà báo công tác tại TP.HCM rành về âm nhạc thời kỳ này chia sẻ với chúng tôi: “Dù có bệ phóng rất mạnh, nhưng nhạc trẻ Sài Gòn lại không giữ được lửa lâu. Một trong những lý do là đặc tính đào thải khắc nghiệt của thị trường, trong khi nhạc trẻ Việt thiếu chuyên nghiệp, manh mún, không đoàn kết”.
Ba Con Mèo giờ chỉ còn Phương Uyên hoạt động âm nhạc ở VN, hai thành viên còn lại đã có cuộc sống tại Mỹ. Kiến Xanh cũng mỗi người một phương, chưa một lần gặp lại. Little Wings chỉ là ký ức. Thế nhưng, những gì mà các ban nhạc trẻ ở Sài Gòn ngày ấy để lại sẽ còn mãi. Nói như KTS Hà Anh Tuấn, kỷ niệm là những đám mây lãng đãng, trong trẻo, để mỗi khi nhớ về anh cảm thấy tự hào vì những năm tháng tuổi trẻ đã cháy hết mình, dám làm những điều mình khao khát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.