Cuộc chuyển giao quyền lực
Sau Cách mạng Tháng Tám, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo đã được chuyển giao quyền sở hữu. Cuộc chuyển giao này diễn ra vào 30.8.1945, tại lầu Ngũ Phụng trên nền đài Ngọ Môn trước Đại nội Huế. Ở đó, kiếm thoái vị của vua Bảo Đại được trao cho phái đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời VN Dân chủ Cộng hòa, gồm các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận. Tài sản của vương triều cũng được thống nhất bàn giao. Sau lễ thoái vị, toàn bộ số bảo vật, trong đó có ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo, được chuyển ra Hà Nội.
Hình rồng trên ấn được tạo hình đặc biệt |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết chiếc ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo sau đó được đưa vào nhiều kho rất nhiều lần. Tháng 12.1946, ấn được cất giữ khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ấn lại về kho Bộ Tài chính quản lý. Tới 1959, Bảo tàng Lịch sử được giao giữ ấn. Năm 1962, bảo tàng gửi bộ sưu tập hiện vật, trong đó có ấn này sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt. “Trong suốt gần nửa thế kỷ, sưu tập hoàn toàn bị đóng kín, rất ít người biết đến sự tồn tại của chúng. Mỗi năm một lần, bảo tàng cử người có trách nhiệm đến kho ngân hàng kiểm tra niêm phong”, thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
Phải tới năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử VN (tên cũ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cải tạo, nâng cấp kho bảo quản đặc biệt, đầu tư, lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn thì chiếc ấn mới được nhận về.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được đúc vào niên hiệu Minh Mạng thứ 8 (1827), với chức năng là dâng tiến tên hiệu, huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn. Hồ sơ dẫn sách Đại Nam Thực lục: “Bắt đầu đúc ấn Hoàng đế Tôn thân, vuông 3 tấc 2 phân, dày 3 phân 6 ly; ấn Sắc mệnh chi bảo vuông 3 tấc 2 phân, dày 3 phân 2 ly, đều núm hình rồng cuốn,… Dùng vàng mười mà đúc. Sai Bộ Lễ hội đồng với Nội vụ và Vũ khố coi việc đúc ấn”. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng ghi, năm Minh Mạng thứ 8: “Xuống chỉ cho Bộ Lễ chọn ngày tốt, hội đồng với phủ Nội vụ, ty Vũ khố, kính cẩn đúc một quả Hoàng đế Tôn thân chi bảo vuông 3 tấc 2 phân, dày 3 phân 6 ly”.
Ấn đúc bằng vàng 10 tuổi, tạo thành 2 cấp hình vuông. Quai là tượng rồng uốn khúc, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Trên lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán. Bên phải ghi: “Đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8, 1827”. Bên trái ghi: “Vàng 10 tuổi, nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân”. Mặt ấn đúc nổi 6 chữ Hoàng đế Tôn thân chi bảo. Ấn hiện có một số vết xước nhỏ, móp ở rìa mặt ấn; giữa mặt ấn có lỗ thủng nhỏ. Theo hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia, ấn nặng 8,983 kg.
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo được làm bằng vàng |
Ấn lớn nhất trong sưu tập ấn bảo vật hoàng cung
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo cùng với ấn Sắc mệnh chi bảo là 2 ấn vàng có hình thức tạo tác, bố cục và trang trí đặc biệt, với hình tượng rồng lớn, được tạo dạng khối tượng tròn, tinh xảo. Tuy nhiên, về trọng lượng thì ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo là ấn vàng có trọng lượng lớn hơn và là ấn lớn nhất trong bộ sưu tập ấn triện bảo vật hoàng cung triều Nguyễn cũng như của các triều đại phong kiến VN hiện biết.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết kiểu dáng quai của ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được tạo dáng rất khác biệt với hình tượng rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, tư thế oai vệ. Trong khi đó, hình thức của các kim ấn khác trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đa phần có quai ấn là hình tượng rồng theo tư thế đứng hoặc quỳ, đầu thẳng hay quay lại lưng, sừng dài, lưng cong, đuôi cụp lại với 7 hay 9 tia xòe hình ngọn lửa.
Ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mạng nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử văn hóa VN nói chung. Ấn là một trong những ấn được vua Minh Mạng cho đúc thêm để bổ sung vào hệ thống ấn tín của hoàng đế và vương triều.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết công năng sử dụng của ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo là dùng cho việc dâng tiến tên hiệu, kính dâng huy hiệu cho các hoàng đế và vương hậu. Đối với các vương triều phong kiến nói chung, triều Nguyễn nói riêng, tấn tôn, truy tiến tên hiệu là điển lễ rất quan trọng. “Ấn Hoàng đế Tôn thân chi bảo với hình tượng rồng đặc biệt, là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, được sử dụng trên các văn bản tôn phong, gắn với những điển lễ quan trọng của vương triều, trở thành nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mệnh (Mạng) nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử VN nói chung”, hồ sơ viết.
(còn tiếp)
Bình luận (0)