Thế giới của chư phật
Không có thông số về trọng lượng của bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng (X.Xuân Lũng, H.Lâm Thao, Phú Thọ) trong hồ sơ bảo vật quốc gia. Bàn Phật thạch tòa cao 1 m, dài hơn 3 m, rộng hơn 1 m này được làm bằng đá xanh. Hiện vật vẫn đang ở tại chùa, trong chính điện và không thể di chuyển được để có thể đo trọng lượng. Ngôi chùa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1980. Bàn thờ gắn với lịch sử của chùa từ cuối thế kỷ 14.
Theo hồ sơ bảo vật, có thể chia bàn thờ làm 5 tầng dựa trên kỹ thuật tạo tác.
Mặt trước bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng |
Tầng thứ nhất, gồm chân đế được ghép từ 13 phiến đá, tạo thành dạng sập chân quỳ dạ cá đôi. Mặt trước và hai mặt bên chạm khắc hoa cúc chìm sắc nét, mỗi bông có 2 đài hoa mềm mại, 4 góc đều chạm trang trí hoa văn dạng mây cụm, mặt sau để trơn.
Tầng thứ hai cũng được ghép từ 13 phiến đá, với phần diềm trên trang trí hoa văn cánh sen ở cả bốn mặt. Phần dưới, mặt trước có các đồ án trang trí được đục nổi nhiều đề tài. Đề tài cá hóa rồng (thể hiện sự ước mong đỗ đạt trong thi cử của người đời) với nửa thân sau là hình đuôi cá, nửa thân trước đã hóa thành rồng. Phần lưng đã xuất hiện vây nhưng toàn thân rồng chưa thấy vẩy. Đầu rồng đã có bờm, miệng ngậm hạt ngọc nhưng thân còn ngắn. Các đề tài còn lại là sư tử hí cầu, sư tử vờn hoa hải đường, lá thiêng. Mặt bên có trang trí phù điêu hình sư tử và hoa hải đường, hươu ngậm hoa lá thiêng…
Tầng thứ ba, cũng được lắp ghép từ 13 phiến đá. Ở bốn góc có 4 hình tượng Garuda (chim thần) trong tư thế bụng, mông và chân tì lực xuống tầng dưới, hai cánh xòe ra hai bên. Tầng này còn có trang trí rồng đối xứng, lá thiêng dạng đao mác, mây cụm, hoa cúc, hươu ngậm hoa hải đường. Tầng này cũng khắc một bài minh văn bằng chữ Hán ghi công Ngộ Không cư sĩ cùng vợ là bà Công Tín tạo tòa bệ đá này, hoàn công năm 1387.
Tổng thể bàn thờ |
Tầng thứ tư được lắp ghép từ 10 phiến đá, diềm trang trí hình cánh sen úp ở cả bốn mặt.
Tầng thứ năm là tầng trên cùng, được tạo bằng 9 phiến đá. Bốn phía đều được chạm khắc trang trí 3 lớp cánh sen kép sống động khiến cho cả bàn thờ đá trông tựa bông sen đang mãn khai. Mỗi lớp gồm 40 cánh, điểm xuyết trên các cánh là hoa văn dạng chấm tròn tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của đạo Phật. Bề mặt trên của tầng này được mài nhám, tạo tác hơi võng giữa, với bốn góc có xu hướng vươn nhẹ lên phá vỡ bố cục mặt phẳng của một bàn thờ/nhang án thông thường.
Hồ sơ bảo vật quốc gia cho rằng: “Khởi nguyên, hiện vật này được tạo tác để hiện thực hóa về thế giới của chư Phật; sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian khi tạo hình Bàn Phật thạch tòa từ những phiến đá xanh ghép lại tạo thành hình tòa sen đỡ bộ tượng Tam thế”.
Hình tượng Garuda góc bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng |
Cục Di sản cung cấp |
Cá hóa rồng và đời sống dân cư miền trung du
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, bàn thờ đá Xuân Lũng chính là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng sư tử hí cầu và cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ. Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này.
Bàn thờ Phật bằng đá này cũng đặc biệt khi các hoa văn trang trí vừa gắn với thế giới Phật giáo vừa mô tả được hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du, Tây Bắc VN. Trong các hoa văn này có hình ảnh hươu cặp hoa hải đường. Hoa hải đường là loài hoa đặc trưng của vùng trung du miền núi và các tỉnh vùng Tây Bắc, đặc biệt là trên đất Phú Thọ và quanh khu vực núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Hùng. Điều này vừa tạo nên bức tranh sinh động và linh thiêng nơi cửa Phật, vừa phản ánh cuộc sống hiện thực và nét đặc trưng của vùng trung du Bắc bộ và đất Tổ Hùng Vương. Đây là nét đặc biệt riêng có, không tìm thấy ở các hiện vật cùng thời.
Chạm khắc cá hóa rồng |
Bàn Phật thạch tòa là hiện vật gốc độc bản, được bảo quản tốt, đảm bảo tính toàn vẹn. Hiện vật từ khi được tạo tác đến nay vẫn được sử dụng làm nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật, đặt bộ tượng Tam Thế ở chùa Xuân Lũng. Hơn nữa, minh văn trên bàn thờ đã chỉ rõ hiện vật là của chùa Xuân Lũng và từ đó đến nay không có sự thay đổi hay dịch chuyển nên đảm bảo tính xác thực.
Có một điểm thú vị, bàn thờ là sự thể hiện tính thực dụng của những người thợ chế tác cũng như người đương thời. Mặt trước và hai mặt bên của bàn thờ được chạm khắc rất tinh xảo và tinh tế, trong khi đó, mặt sau lại gần như hoàn toàn để trơn và bề mặt nhang án chỉ được đục nhám, không đánh bóng. Hiện tượng này càng được hiển thị rõ hơn qua một số tác phẩm điêu khắc trong kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở các giai đoạn sau, đặc biệt là dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20).
(còn tiếp)
Bình luận (0)