Những bảo vật quốc gia mới: Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long

18/01/2022 06:40 GMT+7

Cuối tháng 12.2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 2198 công nhận 23 hiện vật hết sức quý hiếm, có ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc là những bảo vật quốc gia. Thanh Niên xin giới thiệu một số hiện vật trong nhóm bảo vật quốc gia mới này.

Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long không chỉ cân đối và tuyệt đẹp. Biểu tượng chim phượng còn được cho là báo điềm lành.

Các nhà khảo cổ học vẫn còn nhớ bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long xuất lộ năm 2002 trong lớp đất chứa nhiều gạch ngói và các thành phần trang trí kiến trúc thời Lý, thời Trần. “Xung quanh nơi lá đề xuất lộ có nhiều cấu kiện trang trí mái kiến trúc được cho là thời Lý. Đó là tượng đầu phượng, thân rồng… Chúng có thể là vật liệu kiến trúc của cùng một bộ mái”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhớ lại.

Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long

TL

Hồ sơ khảo cổ cho thấy khi đó lá đề còn đủ dáng bao gồm thân và bệ. Phần bệ bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ, thân bị nứt vỡ do áp lực đất phía trên đè xuống. Các nhà khoa học đã phục chế hiện vật. Sau đó, hiện vật này được đưa vào không gian thời Lý của Phòng trưng bày Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), lá đề gồm 2 phần thân và bệ. Thân lá đề có hình dáng giống hình lá cây bồ đề, ở hai mặt trang trí đôi chim phượng. Kích thước phần thân lá đề cao tổng cộng 77 cm, điểm rộng nhất 74 cm. Phần bệ lá đề có mặt cắt ngang uốn cong để khớp với ngói lợp bò nóc của mái, điều này khiến nhiều người gọi loại cấu kiện này là ngói nóc có gắn lá đề. Khi mới xuất lộ, phần đế đã bị vỡ và mất một số mảnh, nay được phục nguyên. So với những lá đề cùng loại đã được phát hiện thì đây là hiện vật lá đề còn đầy đủ và đẹp nhất.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trang trí trên bộ mái kiến trúc thời Lý hết sức cầu kỳ với nhiều thành tố khác nhau. Những thành tố trang trí căn bản trên bộ mái thời Lý thường có: lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/đầu phượng, lá đề lệch… Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long này là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý. Hiện vật này do đó là tư liệu quan trọng có giá trị cho việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Lý.

Chim phượng dâng ngọc báu

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long, trung tâm của lá đề trang trí hình đôi chim phượng dâng ngọc báu trên nền văn sen dây lá. Đồ án đôi chim phượng được thể hiện ở tư thế nhún đẩy dâng ngọc báu, đầu ngẩng cao, hai mỏ chụm lại nâng đỡ ngọc báu. Bốn hình tượng phượng trên lá tương đồng nhau với mỏ to và mào lớn hướng về phía trước giống như mỏ và mào của chim công. Mắt, hàm to và tròn giống chim trĩ, hai bên hàm bờm dài uốn ngược về phía trước cùng nhịp với mào và đuôi. Cổ cao giống cổ chim công, cánh dang rộng, thân tròn, đuôi dài giống đuôi chim công. Đuôi dài được diễn tả với nhiều lớp, uốn lượn nhiều khúc chụm và tụ lên đỉnh lá đề. Thân không có vảy mà được đặc tả bằng những lớp lông rất chi tiết.

Cũng theo hồ sơ bảo vật, hình tượng phượng này có nhiều nét khác biệt với chuẩn mực tạo hình chim phượng Trung Hoa. Tạo hình Trung Hoa có quy tắc: phượng có mỏ giống mỏ chim, hàm giống hàm én, cổ giống cổ rắn, nửa thân trước giống thân hươu cao cổ; nửa thân sau giống thân hươu, lưng giống lưng rùa và đuôi giống đuôi cá. Tuy nhiên, bản phượng ở hoàng thành này lại có nhiều nét giống công và trĩ là những loại chim đẹp thuộc họ trĩ sống phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt.

Điềm lành của hoàng gia và Phật giáo

TS Nguyễn Văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng có những so sánh về các hiện vật lá đề thời Lý Trần từng tìm thấy. Theo đó, bảo vật lá đề này là sản phẩm đơn chiếc và độc bản, không có hiện vật nào hoàn toàn giống với hiện vật này. Tại Hoàng thành Thăng Long, có ít nhất 3 tiêu bản trang trí phương, 1 tiêu bản trang trí rồng. Tuy nhiên, chúng đều có kích thước nhỏ hơn so với lá đề phượng này, trang trí cũng kém tinh xảo hơn, được cho là có niên đại thời Trần.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng phân tích bên cạnh giá trị nghệ thuật, đồ án trang trí lá đề phượng Hoàng thành Thăng Long còn có giá trị tư tưởng sâu sắc. Cụ thể, hình dáng của lá đề đã hàm chứa giá trị biểu tượng. Lá đề là lá của cây bồ đề, có nghĩa là tốt lành. Cây bồ đề cũng được các tôn giáo trong đó có Phật giáo coi là cây thiêng. Lá đề kết hợp đồ án trang trí phượng vừa phản ánh giá trị biểu trưng của hoàng gia, vừa phản ảnh giá trị biểu trưng của Phật giáo. Điều này tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia.

Chim phượng là loài chim thần thoại báo hiệu điềm lành, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh trị.

“Xét trong bối cảnh thời Lý với sự phổ biến và phát triển mạnh Phật giáo Tịnh độ và tục thờ A Di Đà, việc lá đề trang trí hình đôi chim phượng nâng đỡ ngọc báu chính là một trong những hình tượng thể hiện tư tưởng của Phật giáo trong nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Lý”, hồ sơ bảo vật nêu. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.