Náu mình trong mộ táng
Bộ ba chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn được đặt tên bằng chính địa danh nơi đã tìm ra chúng. Giồng Lớn là địa điểm thuộc xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ba chiếc mặt nạ được phát hiện tại ba ngôi mộ trong các đợt khai quật khảo cổ học năm 2003, 2005 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN chủ trì phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong mộ, bên cạnh mặt nạ vàng còn có các đồ tùy táng khác như đồ gốm, đồ trang sức, tiền Ngũ Thù, công cụ, vũ khí…
Hồ sơ Bảo vật quốc gia cho biết trên cơ sở so sánh với các di tích khác trong khu vực Trung bộ, Đông Nam bộ và các di tích khác ở Đông Nam Á hải đảo, các nhà khảo cổ nhận định rằng, ba ngôi mộ này nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 2. Đây cũng là niên đại của ba chiếc mặt nạ. Thời kỳ này chính là giai đoạn bản lề ở Nam bộ, khi văn hóa tiền Óc Eo tiếp thu các yếu tố mới từ bên ngoài và chuyển tiếp lên văn hóa Óc Eo.
Mô tả kỹ thuật chạm nổi, được cho là cách làm các mặt nạ vàng Giồng Lớn |
chụp màn hình Bảo tàng Anh |
Cả ba chiếc mặt nạ đều được phân tích thành phần hóa học hai lần. Lần thứ nhất, hiện vật được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng 3 (Tổng cục Đo lường chất lượng VN) phân tích thành phần hóa học bằng phương pháp huỳnh quang tia X. Lần tiếp theo, TS Andreas Reinecke lấy mẫu và gửi tới phòng thí nghiệm uy tín ở Mannheim (Đức) để phân tích đồng vị bằng cắt đốt laser kết hợp khối phổ. Kết quả phân tích cho thấy, ba mặt nạ đều được làm từ vàng sa khoáng. Ba hiện vật này lần lượt có tỷ lệ vàng là 96%, 79% và 75%, còn lại là một số kim loại màu để gia tăng độ cứng và một số tạp chất khác.
Về hình dáng, mặt nạ vàng Giồng Lớn 1 hình chữ nhật, phần mặt trước in nổi hình đôi mắt mở to và một phần sống mũi. Phía trên mắt là đôi lông mày dài, thanh tú với phần đầu thấp ngang mí mắt, thân cong dần lên trên và đuôi mày cao vút. Đây là chiếc mặt nạ dạng eye-cover, nghĩa là chỉ thể hiện nửa mặt phía trên, chủ yếu là đôi mắt.
Mặt nạ vàng Giồng Lớn 2 cũng hình chữ nhật. Phần mặt trước in nổi đôi mắt mở to, đôi lông mày cong cụp xuống cùng với sống mũi nổi cao, cánh mũi bầu. Góc dưới của má bên phải được thể hiện một hình gần giống hình mặt trời, với một vòng tròn ở giữa và nhiều tia xung quanh. Đây cũng là một chiếc mặt nạ thuộc dạng eye-cover giống với mặt nạ Giồng Lớn 1, tuy nhiên mặt nạ Giồng Lớn 2 thể hiện cả phần cánh mũi.
Mặt nạ vàng Giồng Lớn 3 có hình chữ nhật. Phần mặt trước in nổi khuôn mặt người với đôi mắt mở to, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, môi dày. Ở bốn góc và gần phía dưới môi được đục lỗ để xỏ dây. Đây là một chiếc mặt nạ thuộc dạng full-face, tức là thể hiện toàn bộ đặc điểm của khuôn mặt.
Bộ mặt nạ vàng Giồng Lớn |
Tinh xảo, độc đáo
Theo Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi cất giữ các hiện vật này, cả ba mặt nạ vàng đều được chế tác tinh xảo bằng kỹ thuật chạm nổi. Điều đó có nghĩa là sau khi miếng vàng được dát mỏng, người thợ thủ công phác họa những nét cơ bản của khuôn mặt ở phần phía sau của mặt nạ, tức là phần âm bản. Sau đó, từ mặt trước của mặt nạ, người thợ bắt đầu chạm theo những nét đã phác họa trước đó để tạo nên phần dương bản của hiện vật. Công cụ sử dụng có thể là đục, búa, bàn kê, với sự hỗ trợ phần nào của nhiệt. Phương pháp này cũng được mô tả trên website của Bảo tàng Anh.
Hầu hết thành viên Hội đồng Di sản quốc gia đều đồng ý với việc ba mặt nạ vàng còn gần như nguyên vẹn. Họ cũng nhất trí với việc cho đến nay chưa có bất kỳ cá nhân, tổ chức hay địa phương nào ở VN phát hiện và lưu giữ hiện vật tương tự. Chúng là những hiện vật có nguồn gốc, xuất xứ được khai quật bằng phương pháp khảo cổ học duy nhất được biết cho đến nay ở VN.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, trong cùng giai đoạn với mặt nạ vàng Giồng Lớn, ở VN đã có một số di tích phát hiện được đồ tùy táng bằng vàng. Đó là Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Mùn ở Trung bộ; hay Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt ở Đông Nam bộ. “Tuy nhiên, đồ tùy táng bằng vàng tìm được ở các di tích trên, thường là những hiện vật có kích thước nhỏ, chủ yếu là hạt chuỗi và khuyên tai. Chưa có di tích khảo cổ nào ở VN phát hiện được đồ tùy táng bằng vàng có kích thước lớn, được chế tác tinh xảo và mang ý nghĩa về mặt tâm linh như ba chiếc mặt nạ vàng ở Giồng Lớn”, hồ sơ nêu rõ. Hồ sơ cũng nhấn mạnh sưu tập đồ vàng Giồng Lớn là sưu tập đồ vàng có niên đại sớm, với số lượng lớn và loại hình phong phú, đặc biệt nhất hiện biết ở VN. Ba chiếc mặt nạ này đã góp phần làm nên sự đặc biệt đó.
Mặt nạ vàng Giồng Lớn 1 |
Tư liệu |
Theo hồ sơ bảo vật, việc chôn mặt nạ làm đồ tùy táng khá phổ biến ở khu vực hải đảo Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu so sánh với các hiện vật được gọi là mặt nạ ở Indonesia hay Malaysia thì những mặt nạ vàng Giồng Lớn độc đáo hơn nhiều, cả về hình dáng và kỹ thuật xử lý bề mặt. “Mặt nạ vàng Giồng Lớn có hình chữ nhật, dát mỏng, trên chạm nổi hình các bộ phận của khuôn mặt, đặc biệt là có một tiêu bản thuộc dạng che cả mặt. Trong khi những tiêu bản ở Indonesia, Malaysia chỉ là những miếng vàng hình lá hoặc ô van, được tạo khe hở ở giữa rồi đậy lên mắt người chết”, hồ sơ nêu.
Bình luận (0)