Những bảo vật quốc gia mới: Thạp gốm hoa nâu thời Trần

18/02/2022 06:17 GMT+7

Bảo vật quốc gia Thạp gốm hoa nâu thời Trần hiện đang được giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Sức mạnh của hổ

Hồ sơ bảo vật quốc gia Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 8 - 9, hình trụ, cao 33 cm) có phần mô tả rất kỹ hình vẽ hổ. Theo đó, đầu hổ có nét giống đầu rồng, đang trong tư thế há rộng hướng về phía trước, lộ rõ hai hàm răng trên dưới, tai dựng đứng. Bờm và vằn trên thân được thể hiện thành những đường khắc chìm cong. Đuôi dài và uốn cong, chạm mặt đất. Ở phía sau lưng hổ có một cặp dây lá to từ vành phân chia băng hoa văn ở trên rủ xuống.

Dáng ngồi của hổ trên bảo vật quốc gia Thạp gốm hoa nâu thời Trần được gọi là “hình hổ trong tư thế ngồi xổm”. Cũng theo hồ sơ, đã từng có thạp gốm hoa nâu thời Trần vẽ hình hổ. Tuy nhiên, những hình hổ kia được tạo dáng khác. “Hổ là loài tượng trưng cho sức mạnh, người thời Trần có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mông Nguyên, sức mạnh và sự biểu lộ sức mạnh thường được mọi người coi trọng. Do vậy, không phải ngẫu nhiên khi trên đồ gốm hoa nâu có khắc họa các hình tượng hổ”, hồ sơ viết.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh

TL Cục Di sản văn hóa

Bảo tàng Quảng Ninh cho biết đặc trưng tiêu biểu nhất, giá trị nhất của thạp gốm này là từ trên xuống dưới tạo nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần.

Trên thạp có 15 cánh sen chính liền nhau nằm trên và 15 cánh sen phụ nằm dưới giữa hai cánh sen chính. Các cánh sen chính phụ được khắc thủ công, nên không đều nhau, kích thước to nhỏ khác nhau. Cánh sen chính được tạo nổi. Những cánh sen này đều mập, ngắn, mũi tròn, không tạo mũi cánh sen nhọn hất lên như các trang trí khác cùng thời. Cách tạo hình này khiến cho cánh sen thêm sinh động hơn, chân thực hơn và có chiều sâu hơn.

Thạp gốm hoa nâu thời Trần tại Bảo tàng Quảng Ninh có 3 băng hoa văn ngang. Băng hoa văn đầu tiên khắc 5 cặp lá cây cách điệu, một cặp gồm một lá mảnh dài và một lá mập ngắn. Băng hoa văn thứ hai là băng hoa văn chính, khắc 2 con ngựa, 1 con hổ và 2 con chim theo chiều ngược kim đồng hồ.

Trên thạp còn có hai hình người cưỡi ngựa. Hình người cưỡi ngựa đầu tiên trong tư thế phi nhanh. Đầu và cổ ngựa ngẩng cao, dướn về phía trước, hai tai dựng đứng, đỉnh đầu có gắn một vật trang trí dạng một lông vũ. Trên lưng ngựa có yên, một người đang ngồi trên yên, tay trái nắm dây cương ngựa, tay phải giơ cao ở phía sau trong tư thế cầm roi quất cho ngựa chạy nhanh. Khuôn mặt không quá rõ ràng, nhưng có lẽ là khuôn mặt của một người đàn ông. Hình người cưỡi ngựa thứ hai trong tư thế đi thong thả. Trên lưng ngựa có một người đang ngồi khoanh chân, không có yên ngựa, tay trái trong tư thế nắm dây cương ngựa. Người để đầu trần, không rõ mặt mũi và tóc.

Còn lại sau đốt phá

Hồ sơ bảo vật quốc gia cũng nhắc tới những biến động lịch sử ở nước ta vào khoảng thế kỷ 13 - 15. Năm 1407 - 1427, quân Minh sang xâm lược, tiến hành phá hoại văn hóa và biểu tượng của các vương triều Đại Việt. Sự tàn phá này vô cùng tàn khốc, được phát hiện qua nhiều dấu tích khảo cổ học từ Hoàng thành Thăng Long đến các chùa tháp và hành cung... “Những loại hình đồ dùng tiêu biểu, đồ ngự dụng hoàng gia, những đồ nghi lễ trong các cung điện, hành cung, phủ đệ, đền miếu, chùa tháp... không khỏi rơi vào thảm họa này. Trong đó, có thể có rất nhiều đồ gốm sứ như thạp, ấm, bình...”, hồ sơ viết.

Chính vì thế, những đồ dùng tiêu biểu, ngự dụng, đồ nghi lễ nếu còn càng trở nên quý giá hơn. Bảo vật quốc gia Thạp gốm hoa nâu ở Bảo tàng Quảng Ninh này được cho là đồ dùng của tầng lớp quyền quý, hoặc là đồ lễ khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình (miếu/đường) hoặc đời sống tôn giáo (chùa) thời Trần. Bên cạnh đó, thạp gốm hoa nâu cũng được cho là thể hiện rõ đặc trưng riêng của dòng gốm truyền thống bản địa.

Việc tạo tác cũng được viết trong hồ sơ. Theo đó, thạp gốm hoa nâu được tạo dáng từ việc chuốt tay dựa trên bàn xoay đồ gốm. Trước hết, người thợ gốm tạo hình dáng của thạp bằng cách dùng các con trạch đất dài cuốn trên bàn xoay đồ gốm. Bên trong lòng thạp còn rõ các dấu vết của các con trạch đất này, nhất là ở phía nửa dưới thạp, phạm vi mà người thợ gốm gặp hạn chế trong quá trình tiếp xúc để sửa. Sau khi tạo dáng, người thợ điêu khắc tạo hình cánh sen kép và tai trên vai thạp. Người thợ cũng tráng lớp men trắng xanh ở bên ngoài thạp. Tiếp theo, là việc tô men nâu tạo sự phối màu đặc sắc riêng có. Các vị trí có tô men nâu thường tạo một lớp men chảy xuống dưới tạo thành các hạt đọng men nhỏ, hoặc các vệt men, nhờ đó hình trang trí tự nhiên và phóng khoáng.

Hồ sơ bảo vật cho biết Thạp gốm hoa nâu này cùng nhiều đồ gốm cùng thời khác, đã đánh dấu một bước phát triển đỉnh cao của kỹ - mỹ - nghệ thuật sản xuất gốm thời Trần, là một trong những biểu tượng cho đỉnh cao sáng tạo văn hóa thời độc lập tự chủ sau đêm trường Bắc thuộc. “Bản thân chất liệu, kỹ thuật, hình dáng và kích thước, đặc biệt là đồ án hoa văn trang trí hiếm có trên thạp gốm hoa nâu thời Trần đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nó có nhiều yếu tố văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, nhưng cũng thể hiện các giá trị nghệ thuật đặc trưng của đời sống cung đình hoặc tôn giáo tín ngưỡng thời Trần”, hồ sơ viết. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.