Huyết áp ở người trưởng thành khỏe mạnh sẽ dao động từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg. Chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg được xem là huyết áp thấp. Trong nhiều trường hợp, huyết áp thấp là lành tính và không xuất hiện triệu chứng rõ ràng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Huyết áp thấp chỉ nguy hiểm khi tụt xuống dưới mức 90/60 mmHg và kèm theo triệu chứng bất thường. Những triệu chứng này là chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu, cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc, nhức đầu, mờ mắt, tim đập quá nhanh hay quá chậm.
Huyết áp thấp có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Hầu hết những người bị huyết áp thấp không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Thậm chí, họ có thể không nhận ra huyết áp của mình đã giảm xuống mức quá thấp.
Một số loại bệnh có thể gây huyết áp thấp, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh tim, suy giáp hay mắc một số bệnh thần kinh, chẳng hạn bệnh Parkinson. Những người mắc Addison, một căn bệnh mà tuyến thượng thận suy yếu khiến không tiết đủ hoóc môn cortisol, cũng dễ bị huyết áp thấp.
Không chỉ có bệnh mà một số vấn đề cũng có thể khiến huyết áp giảm, chẳng hạn như cơ thể mất nước, thiếu các chất dinh dưỡng như vitamin B12 hay axit folic. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc điều trị rối loạn cương dương có chứa nitroglycerine hoặc ma túy cũng có thể gây huyết áp thấp.
Đôi khi, huyết áp thấp cũng có thể xảy ra do tác động của một số tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng như sốc nhiễm khuẩn, dị ứng nặng hay mất máu. Trong đó, sốc nhiễm khuẩn xảy ra khi một người bị nhiễm trùng nặng đến mức ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu, dẫn đến huyết áp thấp.
Dị ứng là tình trạng hết sức bình thường. Nhiều người trong chúng ta đều bị dị ứng với một tác nhân nào đó, chẳng hạn như thực phẩm, hóa chất, bụi, nấm mốc hay phấn hoa. Tuy nhiên, dị ứng nặng sẽ gây sốc phản vệ, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu và làm giảm huyết áp.
Cuối cùng, các chấn thương nặng sẽ gây xuất huyết nội nghiêm trọng, gây mất máu quá nhiều. Hệ quả là làm giảm tuần hoàn máu và tụt huyết áp, theo Healthline.
Bình luận (0)