Những bệnh nhân nào không được dùng hỏa trị liệu?

25/11/2018 05:05 GMT+7

Chiều 24.11, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tổ chức hội thảo “điều trị bệnh bằng phương pháp hỏa trị liệu”.

[VIDEO] Kinh hãi cảnh hỏa trị liệu “chui”, đốt người bằng lửa ngay trung tâm TP.HCM
Tại hội thảo, các chuyên gia Bệnh viện Châm cứu T.Ư cho biết hỏa trị liệu còn gọi là hỏa long như tác động nhiệt lên da (đốt lửa, đắp, dán, châm cứu…), xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư cho thấy hỏa trị liệu chữa được các loại bệnh như đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm đại tràng mạn tính, viêm khớp gối… nói chung là các bệnh lý dạng hàn (lạnh) tốt.
Thời gian điều trị có thể làm mỗi ngày, cách ngày, trong các nghiên cứu thì thời gian dài nhất là 3 tháng, thời gian ngắn nhất là 2 ngày.
Nhưng có nhiều bệnh nhân không làm hỏa trị liệu được, gồm: phụ nữ có thai, người có kim loại hoặc silicon trong người, người bị bệnh tim mạch, ung thư (vì chưa chứng minh được có hiệu quả hay không); người có cơ địa nóng; bệnh nhân đang bị vết thương hở...
Ngoài ra, liệu pháp này cũng có một số tác dụng không mong muốn như bỏng, mất nước và điện giải; kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu, vì vậy cần làm tại bệnh viện để đảm bảo kỹ thuật và an toàn cho bệnh nhân.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo trước khi chọn phương pháp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp thì nên tư vấn chuyên gia để biết cơ địa phù hợp với phương pháp nào và không nên làm những gì chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Hiện Bệnh viện Châm cứu T.Ư là nơi được Bộ Y tế cho phép chuyển giao kỹ thuật hỏa trị liệu trong gần 2 năm qua.
Tại TP.HCM, Viện Y dược học dân tộc đang thực hiện thí điểm và cũng chưa được cấp phép. Vừa qua, các spa, trường đào tạo thẩm mỹ thực hiện kỹ thuật này là trái phép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.