Những bệnh phổ biến ở học đường gây biến chứng khó lường

19/02/2021 10:05 GMT+7

Bên cạnh cận thị, viễn thị, béo phì, bệnh răng miệng... thì cong vẹo cột sống đang là căn bệnh phổ biến hiện nay ở lứa tuổi học đường và là một trong những vấn đề sức khỏe mà các bậc phụ huynh cần quan tâm nhất.

Theo nhận định của các bác sĩ, nếu cha mẹ không sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể của trẻ.

Làm sao biết con bị cong vẹo cột sống ?

Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện (BV) đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay thời gian qua có một số phụ huynh đưa con tới BV khám và nêu vấn đề cột sống của con có bất thường.

Ngồi học trực tuyến càng cần chú ý tư thế

Thời gian này HS ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đang học trực tuyến tại nhà để phòng chống dịch Covid-19. Nếu học tập trung ở trên lớp, giáo viên có thể thường xuyên nhắc nhở học trò ngồi đúng tư thế khi nghe giảng và viết bài, nhưng khi học qua các thiết bị điện tử kết nối internet như máy tính, iPad, điện thoại di động... thì các học trò rất dễ ngồi sai tư thế. Đồng thời, thời gian các em được ở nhà đọc truyện, sách, chơi với thiết bị điện tử dài hơn. Thậm chí, có thể các em vừa ăn uống vừa học trực tuyến hay vừa nằm vừa cầm điện thoại, nghe bài giảng. Theo các chuyên gia y tế, lúc này phụ huynh nên nhắc nhở con mình ngồi học đúng tư thế, không ngồi học quá lâu.
Những tư thế phải tránh là: cúi mặt sát bàn khi viết hoặc đọc sách; tì ngực vào cạnh bàn hoặc nằm ra bàn khi viết, khi nhìn màn hình; khoảng cách từ sách, vở đến mắt quá xa; vừa viết bài vừa dùng tay chống một bên đầu.
“Nếu cha mẹ thấy cột sống của con uốn cong bất thường như có hình chữ C, chữ S thì rất có thể trẻ đã bị cong vẹo cột sống. Lúc này, trẻ còn có một số dấu hiệu khác như: một bên xương bả vai sẽ cao hơn bên còn lại (hai vai không đều), hai bên hông không cân xứng, đầu của trẻ nghiêng sang một bên, hai chân của trẻ có độ dài không bằng nhau, lồng ngực mất cân đối, các xương sườn dài không bằng nhau, một bên cơ thể của trẻ thường gầy hơn so với bên kia”, bác sĩ Đạt nói.
Theo bác sĩ, tình trạng cột sống biến dạng bất thường ở trẻ nhỏ có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những yếu tố thường gặp nhất là vẹo cột sống bẩm sinh, cong vẹo cột sống do bệnh lý thần kinh cơ (một số vấn đề rối loạn ở hệ thần kinh như bại não, bại liệt hay loạn dưỡng cơ...), cong vẹo cột sống do bàn chân bẹt (bàn chân không có vòm hay lõm). Và một nguyên nhân lớn là do thói quen, tư thế không tốt của học sinh (HS) như ngồi cúi gập cổ, gù lưng chơi game, mang cặp sách quá nặng...

Mang ba lô một bên là sai cách

Cặp sách, ba lô là vật dụng trẻ em dùng nhiều nhất mỗi ngày. Nếu mang sai cách, có thể gây những biến chứng khôn lường cho sức khỏe.
Ít phút đứng trước cổng Trường tiểu học Trần Danh Lâm (Q.8, TP.HCM), chúng tôi ghi nhận nhiều HS lớp 1, lớp 2 nhưng mang những cặp sách nặng nề. Có bé trai không mang ba lô 2 quai mà sử dụng loại có 1 dây đeo chéo.
Tại cổng Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8), tình trạng tương tự, các HS có cặp táp hay ba lô với đầy đủ 2 quai nhưng chỉ khoác một bên. Không phải trò nào cũng có phụ huynh đưa đón, nên nhiều em mang những chiếc ba lô nặng như vậy trên vai để tự đi bộ hay đạp xe về nhà. “Mang ba lô hai bên nhìn không “ngầu”. Em và tụi bạn vẫn mang như thế này mấy năm nay”, T.N.D, HS lớp 8 Trường THCS Lý Thánh Tông, nói về việc khoác ba lô một bên vai.
Bác sĩ Đặng Văn Đạt cho biết, một số trẻ mang ba lô quá nặng, đeo lệch về một bên nên dồn lực về một bên. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cột sống phát triển lệch hẳn một bên, dẫn đến cong vẹo. Thói quen xấu cũng rất phổ biến ở trẻ còn là ngồi học không đúng tư thế, như cúi mặt sát bàn khi viết hoặc đọc sách, vừa viết bài vừa dùng tay chống một bên đầu, tì ngực vào cạnh bàn... Đặc biệt, hiện nay nhiều em thường xuyên nằm, ngồi không đúng tư thế và dùng điện thoại, iPad trong thời gian dài.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM), cho biết dù con đã lớn nhưng thường xuyên phải nhắc con ngồi thẳng lưng viết bài. “Nhiều lúc cháu ngồi lệch một bên trên ghế. Hay những lúc mẹ không để ý thì mang luôn sách lên giường vừa nằm vừa viết bài”, chị Hà nói thêm.

Cong vẹo cột sống nguy hiểm thế nào ?

Bác sĩ Đặng Văn Đạt cho biết, cong vẹo cột sống, nếu không được điều trị, can thiệp thích hợp có thể gây chèn ép lồng ngực, chèn ép tim, phổi gây khó thở, suy tim; đau lưng mạn tính. Đồng thời, một loạt những thay đổi do vẹo cột sống gây ra như biến dạng cột sống, lồng ngực, gù, vẹo, vai và hông bị lệch... làm trẻ luôn có cảm giác tự ti về ngoại hình của mình.
Bác sĩ Đạt khuyên trẻ trong độ tuổi học đường cần được thăm khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm những bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời. Phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú trọng protein, vitamin, chất khoáng, canxi. Đồng thời, cha mẹ nên rèn con cách ngồi học đúng tư thế, không để trẻ mang cặp sách, ba lô quá nặng, động viên trẻ thường xuyên tập thể thao...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.