NHỮNG ĐIỀU KHIẾN NHÀ TUYỂN DỤNG HÀI LÒNG VÀ KHÔNG HÀI LÒNG
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc, Nhà sáng lập Công ty Omee, cho rằng tiêu chí công ty thường đặt ra để lựa chọn đối tượng phỏng vấn đầu tiên là yếu tố chuyên môn, tùy từng vị trí mà có mức yêu cầu khác nhau. Và trung thực, thẳng thắn, cầu thị, cũng như tinh thần đặt lợi ích chung làm đầu là những tiêu chuẩn của ứng viên mà ông Dũng thường quan tâm.
"Sự trung thực, thẳng thắn sẽ giúp chúng tôi đánh giá đúng về những thông tin mà gen Z mang lại trong khi phỏng vấn, từ đó giúp nhìn nhận được phẩm chất của ứng viên. Các bạn không nên nói quá vì chúng tôi đủ kinh nghiệm để nhìn ra điều đó. Sự cầu thị sẽ giúp các bạn phát triển và tiếp nhận những điều mới mẻ, hoặc kinh nghiệm từ những người đi trước và tinh thần đặt lợi ích chung làm đầu sẽ giúp bạn có thể duy trì lâu dài được năng lượng làm việc nhóm, mang lại được giá trị bền vững của cả cá nhân và tập thể", ông Dũng chỉ ra.
Bên cạnh đó, ông Dũng chỉ ra những điều không hài lòng ở gen Z khi tham gia phỏng vấn đó là cái tôi quá cao. Điều này được hình thành từ việc gen Z có kỹ năng, thành quả sớm trong công việc so với độ tuổi, từ đó các bạn đánh giá không đúng hết các yếu tố mang lại thành công, và cũng khó để tiếp nhận những lời trao đổi trong lúc phỏng vấn.
Bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty Ecomobi PTE, thì nhấn mạnh thái độ tốt sẽ là điểm mạnh với ứng viên khi phỏng vấn. Một ứng viên tỏ ra là người linh động, có khả năng thích ứng với mọi môi trường, mọi đối tác mà vẫn giữ được thái độ tốt sẽ là ứng cử viên sáng giá.
Bà Dung cũng liệt kê nhiều vấn đề mà người trẻ ngày nay mắc phải khi phỏng vấn, như: không tìm hiểu kỹ về công ty và công việc trước; đến muộn, quên giờ… Gần đây các công ty hoàn toàn thoải mái với việc phỏng vấn trực tuyến để tiện lợi cho ứng viên, tuy nhiên nhiều ứng viên lại không chuẩn bị internet thật tốt, khiến chất lượng buổi phỏng vấn chập chờn và "mất điểm" với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, bà Dung cho biết gen Z đang bị "nghiện" danh xưng: "Hiện có rất nhiều bạn trẻ tự hào viết lên CV (đơn ứng tuyển) từng làm ở các vị trí quản lý, giám đốc nghe rất kêu hay thậm chí để các chức danh là nhân sự cấp cao… Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn các bạn đã thấy sự chênh lệch".
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHỎNG VẤN THÀNH CÔNG ?
Ngoài những câu hỏi về giới thiệu bản thân và kinh nghiệm làm việc, ông Dũng thường đưa ra một số câu hỏi tình huống cụ thể tùy vào từng vị trí để xem cách xử lý, từ đó sẽ phần nào đánh giá sơ bộ về điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên. Một số câu hỏi để kiểm tra nội lực với gen Z mà ông Dũng thường dùng đó là: "Thời điểm nào trong cuộc sống mà bạn thấy khó khăn nhất, và bạn đã vượt qua nó ra sao?". Theo ông Dũng, thường những bạn trẻ đã trải qua khó khăn trong cuộc sống và có giải pháp vượt qua thì sẽ rất trân trọng các cơ hội mà họ được trao.
Còn theo bà Dung, thông thường khi phỏng vấn sẽ tập trung nhiều vào các tình huống, để xem cách bạn trẻ giải quyết vấn đề. Thực tế, câu trả lời không hề có chuẩn mực về đúng sai, mà bà Dung chỉ muốn xem cách các bạn tư duy, lập luận.
Phần quan trọng nhất của CV xin việc
Ngoài buổi phỏng vấn, người trẻ cũng nên đầu tư vào CV để tăng thêm điểm cộng. Bên cạnh những thông tin cơ bản của một CV phải có, bà Lê Thị An Thu, Giám đốc Công ty nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Hàn Quốc COVIKO, cho rằng trong CV phải trình bày kinh nghiệm làm việc, như đã làm công việc gì đó trong vòng bao lâu, và đạt được những thành tựu, kết quả thế nào... Đây được xem là phần quan trọng nhất để đánh giá năng lực ứng tuyển.
Cũng theo bà Thu, hồ sơ ứng tuyển nên thể hiện được thông tin sở thích cá nhân, điểm mạnh, điểm yếu, tính cách cá nhân. "Tất nhiên, gen Z nên tập trung vào những điểm mạnh nhiều hơn. Vì đối với gen Z, đa phần chưa có kinh nghiệm làm việc, do vậy nhà tuyển dụng khi nhắm tới đối tượng này sẽ xem xét kỹ đến tính cách, thái độ, bản chất của ứng viên để chọn lọc và đào tạo", bà Thu nhìn nhận.
Bà Lê Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty DigiSource (Dịch vụ tuyển dụng ngành IT và Digital Marketing), cũng lưu ý người trẻ về phần thể hiện sở thích cá nhân. "Đây là mục tuy có vẻ "mờ nhạt" nhất trong CV, nhưng đối với những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, họ quan sát khá nhiều về sở thích cá nhân của ứng viên. Đặc biệt, đối với các vị trí hoặc sản phẩm đặc thù như game, ngành truyền thông sáng tạo, thì sở thích cá nhân đóng góp không nhỏ vào năng lực của ứng viên. Hãy ghi đúng sở thích của mình, hãy tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng, đó là một lợi thế", bà Nga gửi gắm.
Các tình huống sẽ tập trung hai chủ đề chính. Thứ nhất, công việc chuyên môn mà các bạn đã làm trong quá khứ, gen Z sẽ phân tích vì sao thành công hoặc thất bại, đâu là nguyên nhân chính, nếu được làm lại sẽ như thế nào, nếu là người được quyết định toàn bộ thì sẽ tiếp cận công việc đó ra sao. Thứ hai, các trường hợp mâu thuẫn trong công việc được bà Dung đưa ra giả định, từ các tình huống này, ứng viên sẽ bộc lộ được tính cách thực sự của mình.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn, ông Đặng Văn Ân, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Omega Group, cho biết trước tiên người trẻ cần trang bị thật chắc kiến thức nền tảng, xác định điểm mạnh, yếu, điểm cần cải thiện cho công việc mình sắp ứng tuyển hay muốn ứng tuyển. Đừng mơ hồ ứng tuyển rồi lại ra về trong khó chịu.
Ngoài ra, ông Ân khuyên người trẻ không nên thiếu chuyên nghiệp khi đi phỏng vấn, nó được thể hiện trong giờ giấc, tác phong, chuẩn bị kiến thức trước khi đến. Nếu cảm thấy hời hợt trong câu trả lời hoặc nếu không biết, hãy thẳng thắn chia sẻ, đừng lấp liếm qua loa. Nhưng căn bản là sự tự tin, chuyên nghiệp, thành thật sẽ là thành công cho một buổi phỏng vấn. T
Bình luận (0)