Những bộ phim gây sốc từng bị nhiều nước 'cấm cửa'

24/05/2021 04:00 GMT+7

Những phim dưới đây từng bị "cấm cửa" tại nhiều quốc gia vì nội dung gây sốc. Mở đầu danh sách là tác phẩm A Serbian Film ra mắt năm 2010.

Tác phẩm A Serbian Film của đạo diễn Srđan Spasojević nổi tiếng không phải vì nội dung sâu sắc, khung hình đẹp, "gây bão" phòng vé mà vì yếu tố kinh dị, bạo lực, sex "đậm đặc" ở các cảnh phim. Đến độ trong đêm chiếu đầu tiên của phim này ngày 15.3.2010 (suất nửa đêm) tại Liên hoan phim độc lập South by Southwest ở Mỹ, khán giả được khuyên trước là có thể rời rạp nếu không muốn bị "rửa mắt" bởi những thước phim gây sốc.
Phim kể về một cựu ngôi sao phim khiêu dâm vì vấn đề tài chính nên đã chấp nhận quay lại nghề cũ nhưng sau đó, nội dung khiến người xem bị choáng bởi những hình ảnh máu me, nội dung gây sốc. Phim bị cấm chiếu ở Singapore, Malaysia, Tây Ban Nha... và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. 

Human Centipede (Con rết người)

Phần 2 của Con rết người thách thức độ can đảm của khán giả

Ảnh: Six Entertainment Company

Một series phim kinh dị cũng rất nổi tiếng trong lịch sử phim ảnh đó là thương hiệu Human Centipede (Con rết người) của đạo diễn Tom Six. Phần phim đầu tiên ra đời đã dắt tay khán giả vào câu chuyện một bác sĩ cố gắng nối miệng người này vào hậu môn người khác để biến họ thành một "con rết người" theo nghĩa đen và phim ngay lập tức dấy lên tranh cãi. Phần phim tiếp theo với tựa đề Full Sequence (ra mắt năm 2011) đã bị cấm chiếu tại Anh, New Zealand và Úc. Đây là một trong những series phim kinh dị gây tranh cãi bậc nhất lịch sử phim ảnh. 

Child 44

Bộ phim Child 44 của đạo diễn Daniel Espinosa (chiếu năm 2015) dựa trên quyển tiểu thuyết cùng tên của tác giả Tom Rob Smith, kể về tay kết người hàng loạt Andrei Chikatilo từng xuất hiện trong giai đoạn Xô viết cũ, đã không được chiếu ở Nga. Lý do là phim có cái nhìn không tốt về người Nga giai đoạn cũ. "Nối gót" Nga, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Belarus, Kazakhstan, Ukraine, Kyrgyzstan cũng cấm lưu hành phim này tại thị trường nội địa.

Phim Child 44 bị cấm vì liên quan đến vấn đề lịch sử

Ảnh: Worldview Entertainment

Với kinh phí sản xuất 50 triệu USD, quy tụ dàn sao như Gary Oldman, Tom Hardy, Jason Clarke..., tác phẩm này vẫn trở thành "bom xịt" phòng vé khi thu về số tiền chỉ 13 triệu USD.

Fifty Shades of Grey (50 sắc thái)

Vì nội dung chứa nhiều cảnh sex "nặng đô", bộ phim Fifty Shades of Grey (50 sắc thái) của đạo diễn Sam Taylor-Johnsonđược chiếu năm 2015, bị cấm chiếu ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Zimbabwe, Malaysia, Kenya, Indonesia, Campuchia...

Phim 50 thắc thái có những cảnh nóng "đốt mắt" khán giả

Ảnh: Universal

Bộ phim được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên này, tuy vậy vẫn sinh lời rất tốt tại các thị trường khác. Với kinh phí sản xuất chỉ 40 triệu USD, phim thu về tổng số tiền trên 569,6 triệu USD trên toàn cầu, sau đó được mua bản quyền và chiếu trên nền tảng trực tuyến.
Thành công của phim về mặt doanh thu đã giúp cho các nhà sản xuất "bật đèn xanh" cho các phần phim tiếp theo, nhưng cả series lại bị các nhà phê bình điện ảnh chê bai về mặt chất lượng. Cả 3 phần phim 50 sắc thái đã nhận tổng cộng 8 giải Mâm xôi vàng. Tuy nhiên cả series phim này lại mang về cho các nhà sản xuất tổng số tiền trên 1,32 tỉ USD. 

Trung Quốc luôn 'gây khó' khi duyệt phim

Phim Bát bách của Trung Quốc không được cấp phép chiếu hồi năm 2019

Ảnh: TENCENT

Trong số các quốc gia nói không với việc lưu hành phim, có thể kể đến Trung Quốc vì danh sách phim không được chiếu, phải chỉnh sửa lại tại trước khi ra rạp ở đại lục dài dằng dặc. Trung Quốc, vì thế, luôn nhận được sự chú ý của báo chí phương Tây và những quan điểm duyệt phim của đại lục rất hay được các báo Mỹ đề cập. Các phim như Mad Max: Fury Road (2015), Monster Hunter (2020)... là hai trong số nhiều dự án điện ảnh vắng bóng tại Trung Quốc. 
Không được phổ biến rộng rãi tại đại lục là một chuyện, có rất nhiều phim được chiếu phải qua chỉnh sửa. Phim Em của thời niên thiếu (2019) hay như Bát bách (2020, tổng doanh thu tại Trung Quốc trên 460 triệu USD - theo Box Office Mojo)... phải qua chỉnh sửa mới có thể được chiếu tại Trung Quốc. Trước đó vào năm 2019, Bát bách không được cấp phép chiếu.

Sau 18 năm, phim Spirited Away mới được chiếu tại Trung Quốc

Ảnh: Ghibli

Bên cạnh phim không được chiếu, phải chỉnh sửa lại mới được chiếu, có trường hợp phim chiếu rồi bị rút khỏi các rạp và rất lâu sau mới được chiếu, đó là trường hợp của Avatar (2009) và Spirited Away (2001). Avatar sau khi chiếu tại Trung Quốc được 2 tuần đã phải ngậm ngùi rời khỏi thị trường đại lục do các nhà kiểm duyệt lo sợ phim sẽ gây kích động khán giả bởi nội dung liên quan đến đấu tranh, sự phản kháng, bạo lực; còn Spirited Away (từng đoạt giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất) sau 18 năm mới được Trung Quốc cho chiếu. Mặc dù cả hai phim này có số lượng người hâm mộ khổng lồ trên mạng xứ Trung. Phim Spirited Away được chiếu tại Trung Quốc ngày 21.6.2019, còn Avatar thì được chiếu lại vào đầu năm nay.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.