Những bóng hồng trong thơ nhạc: Mối tình đầu gửi 'Chim sáo ngày xưa'

24/09/2015 06:03 GMT+7

Ca - nhạc sĩ Nhất Sinh tâm sự: “Tình đầu nào cũng thường dở dang, tình tôi cũng không ngoại lệ”. Nhưng, chính dang dở ấy lại kết thành lời ca khúc Chim sáo ngày xưa , xoa dịu biết bao tâm hồn khi “nhìn sáo sang sông”.

Ca - nhạc sĩ Nhất Sinh tâm sự: “Tình đầu nào cũng thường dở dang, tình tôi cũng không ngoại lệ”. Nhưng, chính dang dở ấy lại kết thành lời ca khúc Chim sáo ngày xưa, xoa dịu biết bao tâm hồn khi “nhìn sáo sang sông”.

Bìa album Quang Linh - Yêu nhau ghét nhau, trong đó có bài Chim sáo ngày xưa phát hành năm 1998Bìa album Quang Linh - Yêu nhau ghét nhau, trong đó có bài Chim sáo ngày xưa phát hành năm 1998
Bày tỏ nỗi lòng bằng ca từ, giai điệu
Nhất Sinh được biết đến đầu tiên với vai trò ca sĩ. Sau thời gian thể hiện những nhạc phẩm trữ tình quê hương của các nhạc sĩ khác, anh tự hỏi: sao mình không thử một lần viết nhạc và hát bài hát của mình? Thế là Tơ hồng ra đời (1988). Phát huy sáng tác đầu tiên mang âm hưởng dân ca mà theo anh, được thẩm thấu từ chính lời ru, câu hò của mẹ, Nhất Sinh tiếp tục viết ca khúc thứ hai, cũng chính là bài hát cho mối tình đầu tiên: Chim sáo ngày xưa.
“Thời xưa yêu đương nhút nhát lắm. Khi thích một ai, ban đầu là âm thầm tìm hiểu, rồi theo đuổi, tìm cơ hội hay kiếm một cái cớ nào đó sao cho có duyên một chút, để làm quen”, Nhất Sinh kể lại. Vậy nên mới sinh ra chuyện: “Chiều nay theo em anh bước, bước bên em trên con đường làng”, mà cũng chỉ dừng lại, ước mong: “Nhìn em anh như muốn nói, này cô bé kia chờ anh theo cùng”, chứ chẳng dám ngỏ lời. Cứ vậy, anh theo gót cô gái ở cùng xóm (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ấy một thời gian dài. Đôi lúc lòng như mở hội khi: “Người ta ngoảnh lại nhìn nhau... thẹn thùng”, nhưng anh vẫn chưa nghĩ ra “kế” gì để bày tỏ. “Cho đến lúc mạnh dạn, lấy hết sức bình sinh để thổ lộ thì người ta đã có bến đỗ”, anh nói.
Nếu trong Tơ hồng, anh đã đưa “Vẳng trên dòng kinh giọng ai hát, con sáo sang sông, rồi sáo xổ lồng” vào lời ca, thì đến Chim sáo ngày xưa, cái tứ ấy được phát triển, cụ thể hơn nên cũng bùi ngùi, ray rứt hơn: “Sáo bay bỏ lại mình ta, bơ vơ một nẻo, xa xăm đi về. Sáo ơi! Bây chừ ngồi đây chờ ai ai chờ...”.
Dẫu ở cùng xóm nhưng Nhất Sinh cho biết phải mấy chục năm sau mới gặp lại người xưa, trong lần về thăm quê (vì năm 1982, anh đã vào TP.HCM sinh sống). “Gặp lại nhau và biết ai cũng hạnh phúc với cuộc sống riêng của mình, vậy là vui rồi, không dám nói gì thêm”, Nhất Sinh chia sẻ.
Long đong phận “chim sáo”
Chim sáo ngày xưa được hát đầu tiên bởi chính tác giả, nhưng chỉ trong những chương trình ca nhạc quy mô nhỏ. “Sau đó, khi vào TP.HCM, ở cùng chung cư với ca sĩ Ngọc Tân, ảnh hỏi tôi có bài hát nào không vì sắp làm băng cassette, tôi chuyển cho ảnh Chim sáo ngày xưa. Và cuốn băng Hoa phượng đỏ - 1990 là sản phẩm đầu tiên giới thiệu đến công chúng bài hát này”, nhạc sĩ Nhất Sinh nhớ lại.
5 năm sau, khi Hãng Vafaco phát hành album tiếng hát Thu Hiền - Quang Linh, bài Chim sáo ngày xưa, với bản hòa âm “rất đặc trưng và cực kỳ ăn khách” của nhạc sĩ Vy Nhật Tảo (theo nhận xét của Nhất Sinh), ca khúc này bắt đầu được nghe nhiều. Đến 1997, Quang Linh lần đầu biểu diễn Chim sáo ngày xưa trong chương trình truyền hình CLB Bạn yêu nhạc của VTV, bài hát được lan tỏa rộng rãi hơn.
“Ca sĩ Quang Linh đã đưa bài hát này vào album riêng của anh từ rất sớm. Đến năm 1998, Chim sáo ngày xưa lọt vào top ten Làn sóng xanh, rồi thành hit. Đúng là, giọng hát trữ tình của nam ca sĩ gốc miền Trung này đã chuyển tải được chất dân ca Trung bộ của Chim sáo ngày xưa, đưa bài hát đến quảng đại quần chúng hơn”, Nhất Sinh nhìn nhận. Về sau, có hàng chục ca sĩ thể hiện bài hát này, từ trong nước đến hải ngoại, cũng như có cả phiên bản hòa tấu. Với Nhất Sinh, nếu qua giọng hát Ngọc Tân, Chim sáo ngày xưa nghe sang trọng; còn Quang Linh giúp chim sáo bay xa, đến với khán giả mọi miền đất nước lẫn hải ngoại; thì Vũ Khanh là người trình bày khiến nhạc sĩ ưng ý nhất, chân chất, mộc mạc, như chuyện tình thuở xưa của anh vậy!
Nhạc sĩ cho biết sau khi Chim sáo ngày xưa phổ biến, có một khán giả đã gửi thư tặng anh bản Chim sáo ngày nay. Nhạc vẫn hát theo bài “ngày xưa” nhưng lời được họa lại, thành cuộc tình của hôm nay. “Hát lên nghe cũng vui lắm”, anh nói. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp lúc bấy giờ bảo anh sao không viết thêm Chim sáo ngày xưa 2, hoặc hỏi anh sau khi gặp lại người xưa có định làm thêm bài “ngày nay” cho trọn bộ? Anh nói vui, mà cũng thật lòng rằng, chỉ một chim sáo thôi là đủ, bởi hiếm ai xúc cảm để... yêu thêm lần nữa mối tình đầu của mình bao giờ!
nhạc sĩ Nhất Sinh
Sau những ca khúc về tình yêu như Tơ hồng, Chim sáo ngày xưa, Thuở ban đầu..., nhạc sĩ Nhất Sinh (ảnh) chuyển sang viết nhạc quê hương đất nước, sử ca, trong nó nổi bật có Tình sử Huyền Trân.
Thời gian gần đây, Nhất Sinh viết nhiều về mẹ: Nhớ mẹ mùa Vu lan, Một cánh hoa dâng mẹ, Còn mãi lời ru, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Con sẽ về...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.