Những bóng hồng trong thơ nhạc: Từ 'Suối tóc' đến 'Tôi đi giữa hoàng hôn'

07/04/2021 05:52 GMT+7

Ca khúc Suối tóc của nhạc sĩ Văn Phụng đã khởi đầu cho một mối tình thật đẹp giữa ông và ca sĩ Châu Hà, dù họ phải vượt qua muôn vàn sóng gió để có nhau đến trọn đời...

Buổi gặp gỡ định mệnh ấy xảy ra vào một buổi sáng năm 1952 tại thành phố Hải Phòng trong một căn nhà 2 tầng. Lúc đó ở tầng trên, cô tiểu thư Châu Hà đang say sưa lướt mười ngón tay búp măng trên phím đàn dương cầm, bỗng thấy một bóng người thấp thoáng ở khung cửa. Cô ngưng đàn, nhìn ra. Đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi, anh ta lúng túng: “Xin lỗi cô! Tôi tên là Văn Phụng, con cụ Bảng đang thuê tầng dưới nhà của ba cô. Tôi đến thăm ông cụ, nghe tiếng đàn hay quá, tò mò nên đánh liều lên làm quen”.
Văn Phụng lúc đó chỉ mới 22 tuổi nhưng đã nổi tiếng trong làng nhạc, bởi khi mới 15 tuổi anh đã đoạt giải nhất độc tấu piano trong một cuộc thi tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội với nhạc phẩm La prière d’une vierge (Lời nguyện cầu của một trinh nữ); 18 tuổi đã có sáng tác đầu tay là ca khúc Ô mê ly... Thế nhưng, lúc đó cô tiểu thư 18 tuổi Châu Hà chẳng hề biết Văn Phụng là ai, bởi trước đó cô sống ở miền Nam và mới chuyển ra Hải Phòng quê bố. Mẹ cô vốn người miền Nam, thuở nhỏ cô đã theo học một trường của các nữ tu tại Sài Gòn và quen hát thánh ca. Dòng họ bên ngoại của cô lại mê cổ nhạc, có nhiều cậu dì ca vọng cổ rất hay... Văn Phụng hỏi: “Vừa rồi cô đánh bài gì mà tôi nghe hay lắm?”. “Dạ, bản nhạc tên là It's a Sin to Tell a Lie của Eddie Duchin, một nhạc sĩ Mỹ mà tôi học được ở miền Nam”. Văn Phụng ngỏ ý: “Vậy cô có thể cho tôi đàn nhờ một tí?”. Và rồi, nhìn bản nhạc đặt trên giá đàn, Văn Phụng chơi một cách xuất thần không hề vấp váp dù mới “gặp” bản nhạc này lần đầu. Châu Hà lúc đó cảm thấy mình vừa “múa rìu qua mắt thợ” và rất “tâm phục, khẩu phục” (Châu Hà từng học đàn piano với thầy Nguyễn Văn Dung nổi tiếng nghiêm khắc. Ông giỏi đủ mọi thể điệu: nhạc Mỹ, nhạc Tây phương, nhạc Âu châu... Ông bắt cô học piano, đàn 4 tiếng một ngày, hết một quyển exercise). Thấy cô gái khen rất thực lòng, Văn Phụng trào tràn cảm hứng, anh sáng tác ngay tại chỗ một bản nhạc rồi đàn cho cô gái nghe. Cả hai rất tương đắc nhưng Văn Phụng lại không biết đặt tên cho bản nhạc ấy là gì. Rồi bỗng anh nhìn mái tóc dài chấm đất của cô gái và nói: “Mái tóc cô đẹp quá, thật là suối tóc. Đặt tên bản nhạc là Suối tóc nhé!”. Ca khúc Suối tóc ra đời từ buổi đó, sau này Văn Phụng mới đặt lời: “Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi...”.
Những bóng hồng trong thơ nhạc: Từ 'Suối tóc' đến 'Tôi đi giữa hoàng hôn'1

Nhạc sĩ Văn Phụng và vợ - bà Châu Hà

Có một chi tiết nhiều tác giả nhầm tưởng là Văn Phụng và Châu Hà đã yêu nhau từ buổi ấy, nhưng sau này bà Châu Hà kể lại: “Sau đó chúng tôi không gặp nhau nữa, vì năm đó là 1952 mà mãi đến năm 1954 mới di cư. Từ 1952 đến 1954, chúng tôi không gặp nhau vì có quen nhau đâu, có bạn bè gì đâu. Lúc đó ông đã có vợ rồi. Tôi đâu có màng đến người có vợ. Lúc đó tôi mới 18 tuổi, còn trẻ quá. Nhà ông cụ, bà cụ tôi khá giả thành ra cụ cứ phải chọn lựa người đúng cho mình. Người ta lầm, người ta tưởng thời gian đó chúng tôi đã lấy nhau rồi, hay đã yêu nhau rồi bị gián đoạn. Cái đó không đúng đâu”.
Sau khi di cư vào Sài Gòn sinh sống, năm 1955, Châu Hà được người anh nuôi là Đoàn Văn Cừu, Tổng giám đốc Đài phát thanh Việt Nam, dành cho 1 giờ mỗi ngày để hát trên đài phát thanh. Cô lập ban tam ca Châu Hà - Mộc Lan - Kim Tước để cùng hát khi thì đơn ca, lúc tam ca... Sau này bà kể: “Tự nhiên trong một ngày đó, tên tuổi của tôi vang lên ở làn sóng điện, một cách không phải thi cử, tuyển lựa gì cả. Cứ thế là hát, cứ thế là tổ chức ban nhạc của mình. Tự nhiên trời cho tôi hưởng đúng giai đoạn đài phát thanh mở ra 24 tiếng một ngày, thành ra tôi đâm ra đắt hàng...”.
Cũng khoảng năm 1955, ca sĩ Châu Hà gặp lại nhạc sĩ Văn Phụng khi ông từ Nha Trang vào Sài Gòn. Gặp lại nhau nhưng “phải” coi nhau như bạn vì lúc này Châu Hà cũng đã có chồng... Văn Phụng cũng lập ra ban tam ca nam với Nhật Bằng và Ngọc Giao. Hai nhóm tam ca này thường hội họp sinh hoạt văn nghệ... Chính trong khoảng thời gian này, tình cảm giữa hai người càng thêm sâu đậm. Tuy không được sống bên nhau nhưng họ vẫn “yêu nhau trong tiếng ca, tiếng đàn” hoặc với những nhớ nhung, đớn đau... Và Văn Phụng đã sáng tác Tôi đi giữa hoàng hôn: “... Nhớ đêm nao, trên bến tìm sao, hai đứa nhìn nhau không nói một câu. Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào. Như thầm hẹn nhau mùa sau...”.
Và cái “hẹn nhau mùa sau” đã đến. Năm 1963, họ “góp gạo thổi cơm chung” sau khi cùng nhau vượt qua mọi trở ngại và không rời xa nhau cho đến khi nhạc sĩ Văn Phụng qua đời ngày 17.12.1999 tại bang Virginia (Mỹ) trong sự tiếc thương vô hạn của vợ con và bạn bè. Bà Hà nói sau khi ông Phụng mất, nhiều năm liền bà không dám nghe nhạc của chồng sáng tác vì niềm đau khôn nguôi.
Bà Châu Hà đã khắc tên mình lên bia mộ của chồng, nhiều người cho là điềm gở, nhưng bà nói rằng nếu là điềm gở thì cũng may mắn cho bà vì được đi theo chồng. Trong vòng 10 năm sau khi chồng mất, ca sĩ Châu Hà không đi đâu, chỉ ở nhà. Trước khi qua đời, Văn Phụng đã viết 3 ca khúc gửi lại cho vợ là: Vĩnh biệt Châu Hà, Em ở lại và Anh đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.