Tại các trường CĐ, trung cấp chuyên đào tạo các ngành kỹ thuật, những tưởng chỉ toàn cánh mày râu theo học, nhưng đâu đó vẫn có những nữ sinh “lạc” vào.
Tại Trường CĐ nghề TP.HCM, thạc sĩ Hồng Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Trường có tổng số 3.820 học sinh, sinh viên thì có 104 em nữ học các ngành kỹ thuật. Các em được ưu tiên hơn trong việc khen thưởng và đề xuất học bổng”.
Theo Quyên, lý do mà mình lựa chọn ngành học này là vì thấy thị trường ô tô ngày càng phát triển, tạo nhiều việc làm. Quyên cho biết sau này tốt nghiệp mình sẽ đi làm chuyên về phụ tùng, cố vấn kỹ thuật hoặc kinh doanh, rất phù hợp với nữ.
Trong khi đó, Võ Thị Thùy Dung, 19 tuổi, quê Đồng Tháp đang học năm nhất ngành điện - điện lạnh, cho rằng nữ đi học nghề kỹ thuật có vất vả một chút nhưng khi đi làm sẽ được ưu tiên hơn nam.
Dung nhớ lại: “Hồi đầu nhìn quanh thấy toàn con trai cũng ngại ngại. Nhưng sau quen dần. Và các bạn dù nghịch ngợm nhưng rất ga lăng, sẵn sàng giúp đỡ em và 2 bạn nữ trong lớp những khi cần”.
Dù mới học gần xong năm nhất nhưng Dung đã có thể thiết kế và lắp đặt hệ thống điện trong nhà ở. “Thực ra nghề kỹ thuật tưởng chỉ phù hợp với nam nhưng khi học và thực hành, em thấy cũng không quá khó, chỉ cần tập trung quan sát là có thể làm tốt. Trừ những nghề nào quá nặng nhọc thôi”, Dung nhận định.
Theo bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, trong môi trường học tập và làm việc thuộc nhóm ngành kỹ thuật, nếu xuất hiện một “bóng hồng” sẽ khiến cho mọi thứ dường như nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.
“Tại trường, lâu lâu cũng có một vài em nữ đăng ký học, hiện nghề sửa chữa xe gắn máy cũng có 1 em. Các bạn nữ học kỹ thuật cũng có thế mạnh riêng, và khi đi làm thì luôn được 'ưu ái' hơn một chút vì thuộc phái yếu”, bà Thủy chia sẻ.
Bình luận (0)